Đơn vị:

Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan

Linh lan

Xương hàm là xương lớn nhất ở mặt. Nó tham gia vào cấu tạo xương mặt, khoang miệng, mũi, đồng thời giúp nâng đỡ các phần liên quan (ví dụ như răng,...) và tạo nên các chuyển động của miệng. Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan đến xương hàm.

Cấu tạo của xương hàm

Xương hàm là một bộ phận quan trọng của hệ xương mặt trên cơ thể người. Xương hàm bao gồm hai xương, một xương nằm ở trên gọi là xương hàm trên, một xương nằm ở dưới gọi là xương hàm dưới.

Cả xương hàm trên và xương hàm dưới đều được gắn liền với các xương khác của hộp sọ, tạo nên hệ thống xương thống nhất, mạnh mẽ, đồng thời giúp duy trì cấu trúc, hình dạng của hàm răng và khuôn mặt.

Về cấu tạo, xương hàm được tạo thành từ hai loại mô là mô vỏ não và mô xốp:

  • Mô vỏ não: Đây là phần cơ bản, chứa nhiều khoáng nhất và cứng nhất.
  • Mô xốp: Phần bên trong của xương hàm giống như một miếng bọt biển, giúp mang lại sự linh hoạt cho xương.

Xương hàm trên

Xương hàm trên là xương chẵn, có 2 xương đối xứng nhau, tạo thành vòm miệng, hốc mũi và sàn hốc mắt. Đây là xương cố định, phía trên được bao phủ bởi xương chính mũi và nền sọ, hai bên là xương gò má, phía dưới là xương hàm dưới và xương ổ răng.

Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Xương hàm trên là xương chẵn, có 2 xương đối xứng nhau

Về mặt giải phẫu, xương hàm trên bao gồm thân và 4 mỏm:

  • Mỏm gò má;
  • Mỏm trán;
  • Mỏm huyệt răng;
  • Mỏm khẩu cái.

Xương hàm trên được kết nối với các cơ cho phép vùng này hoạt động:

  • Cơ mút: Đây là loại cơ giúp bạn mỉm cười và giữ thức ăn trong miệng khi nhai.
  • Cơ cắn: Là cơ quan trọng giúp hỗ trợ quá trình nhai bằng cách đóng và mở hàm.
  • Cơ gò má: Giúp nâng cao khóe miệng khi cười.

Bên cạnh đó, xương hàm trên còn được chi phối bởi các dây thần kinh và có các nhánh của động mạch cảnh đi qua như động mạch vành trên, động mạch hàm trên,...

Xương hàm dưới

Xương hàm dưới có hình dạng tương tự chiếc móng ngựa. Đây là xương di động nhất và lớn nhất ở mặt.

Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Xương hàm dưới có hình dạng tương tự chiếc móng ngựa

Về mặt giải phẫu, xương hàm dưới bao gồm 2 phần chính là phần thân và phần nhánh.

Phần thân của xương hàm dướicó hình chữ nhật và có một đường gờ ở giữa bề mặt ngoài. Đường gờ này chính là khớp bán tự động của hàm dưới. Ngoài ra, phần thân của xương hàm dưới còn có các lỗ nhỏ. Các lỗ này cho phép các dây thần kinh đi qua. Dây thần kinh điều khiển hoạt động của xương hàm dưới chính là nhánh thứ ba của dây thần kinh sinh ba. Nhánh này sau đó lại được chia thành các nhánh nhỏ hơn như dây thần kinh của cơ hàm móng, dây thần kinh cơ căng của khẩu cái mềm,...

Phần nhánh của xương hàm dưới vuông góc với phần thân và được chia thành: Phần đầu, phần cổ và mỏm xương:

  • Phần đầu của nhánh nằm ở phía sau. Nó kết hợp với xương thái dương hàm tạo nên khớp thái dương hàm.
  • Phần cổ của nhánh liên kết với các cơ và có chức năng hỗ trợ phần đầu của cơ ức đòn chũm.
  • Mỏm xương đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các cơ thái dương hàm.

Các cơ liên kết với phần nhánh bao gồm cơ cắn, cơ thái dương và cơ chân bướm:

  • Cơ cắn: Cơ này được gắn vào cung gò má và mặt bên của hàm dưới. Cơ này giúp hàm của bạn cứng lại khi nghiến răng.
  • Cơ thái dương: Giữ vai trò cố định đỉnh hàm dưới và xương thái dương.
  • Cơ chân bướm: Được gắn vào mặt trong của xương hàm dưới và đáy hộp sọ.

Tương tự như xương hàm trên, xương hàm dưới cũng có nhiều động mạch đi qua như động mạch lưỡi, động mạch cằm, động mạch mặt, động mạch vành dưới,... Đây chính là các nhánh của động mạch cảnh.

Chức năng của xương hàm

Xương hàm đóng vai trò quan trọng trong việc định hình khuôn mặt và hàm răng. Bên cạnh đó, nó còn tham gia vào quá trình nhai, nghiền thức ăn của miệng.

Ngoài ra, xương hàm cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các cơ vùng họng và miệng để giúp chúng ta nói và một số hoạt động khác liên quan đến miệng.

Một số vấn đề liên quan đến xương hàm

Dưới đây là một số vấn đề thường gặp liên quan đến xương hàm mà bạn cần lưu ý:

Gãy, lệch xương hàm

Nhiều báo cáo thống kê cho thấy, gãy xương hàm chiếm khoảng 5% trên tổng số các ca gãy xương. Mặc dù gãy xương hàm chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng nó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như biến dạng khuôn mặt, lệch hàm,...

Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Gãy xương hàm chiếm khoảng 5% trên tổng số các ca gãy xương

Nguyên nhân khiến xương hàm bị gãy hoặc lệch đa phần là do chấn thương từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã,... Đôi khi, việc mở miệng quá rộng, ăn đồ ăn quá cứng cũng có thể khiến xương hàm bị trật khớp.

Một số triệu chứng điển hình của gãy, trật khớp xương hàm bao gồm:

  • Đau nhức ở hàm;
  • Hai hàm răng không khớp nhau;
  • Cảm thấy khó khăn, đau đớn khi nói chuyện, ăn uống;
  • Răng bị lung lay;
  • Chảy máu;
  • Lệch khớp cắn, vết cắn không được cân như bình thường.

Ung thư xương hàm

Ung thư xương hàm là một dạng ung thư nguy hiểm, gây biến dạng khuôn mặt. Ung thư xương hàm được chia làm hai loại: Ung thư nguyên phát và ung thư thứ phát. Ung thư xương hàm nguyên phát là tình trạng khối u xuất phát từ xương hàm. Còn ung thư xương hàm thứ phát là do sự phát triển, di căn của các khối u ở các cơ quan khác.

Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Ung thư xương hàm là một dạng ung thư nguy hiểm, gây biến dạng khuôn mặt

Các triệu chứng của ung thư xương hàm bao gồm:

  • Sưng: Khối u càng lớn thì mức độ sưng hàm càng nặng. Nếu khối u mọc lên ở mặt ngoài của xương hàm sẽ gây sưng mặt. Ngược lại, nếu khối u mọc ở mặt trong xương hàm thì sẽ gây sưng miệng.
  • Chân răng lỏng, răng bị lung lay: Các tế bào ung thư phát triển mạnh sẽ khiến xương hàm trở nên yếu hơn, chân răng bị lỏng và lung lay, thậm chí là rụng răng.
  • Đau ở hàm: Đau do ung thư xương hàm thường là cơn đau liên tục, âm ỉ. Khối u càng lớn thì các cơn đau ở hàm càng tăng, đặc biệt là khi ăn uống, nói chuyện.

Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật.

Tiêu xương hàm

Tiêu xương hàm là tình trạng mật độ và chất lượng xương hàm bị suy giảm, làm cho gương mặt bị méo mó, biến dạng, đồng thời làm tăng nguy cơ gãy xương hàm.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân dẫn đến tiêu xương hàm thường là do mất răng và viêm nha chu.

  • Mất răng: Khi mất răng, xương hàm sẽ xuất hiện khoảng trống. Lúc này, áp lực khi nhai không còn răng để chống đỡ nên sẽ tác động trực tiếp lên xương hàm. Chính điều này đã dẫn đến quá trình tiêu xương. Do đó, để tránh tiêu xương do mất răng, bác sĩ sẽ đề nghị trồng răng Implant để thay thế.
  • Viêm nha chu: Viêm nha chu gây tụt nướu, hở chân răng. Các mô, cơ và dây chằng quanh chân răng sẽ bị tổn thương, mất dần, làm răng mất đi chỗ dựa. Do đó, áp lực đè lên xương hàm sẽ tăng dần, dẫn đến quá trình tiêu xương.
Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Tiêu xương hàm do mất răng

Viêm xương hàm

Viêm xương hàm là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn có hại gây ra, đôi khi nó còn là biến chứng của việc sâu răng, chấn thương,... Các triệu chứng điển hình của viêm xương hàm bao gồm:

  • Mệt mỏi, sốt, ớn lạnh;
  • Sưng đau vùng hàm;
  • Có dịch hoặc mủ;
  • Khó khăn, đau đớn khi nói, ăn uống hoặc cử động hàm.

Khi bị viêm xương hàm, bệnh nhân thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Trong trường hợp bệnh trở nặng hơn, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật để loại bỏ phần xương bị tổn thương do viêm.

Lồi xương hàm dưới

Lồi xương hàm dưới hay còn gọi là bệnh Torus là tình trạng có một khối xương bất thường phát triển trên vòm miệng. Khối xương này có thể lớn lên theo thời gian. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của lồi xương hàm dưới với ung thư, nhưng thực chất nó không phải là ung thư và không gây nguy hiểm đến sức khỏe như ung thư.

Theo các chuyên gia, các yếu tố nguy cơ có khả năng dẫn đến lồi xương hàm dưới bao gồm:

  • Di truyền: Nếu ba mẹ từng bị lồi xương hàm dưới thì khả năng cao đời con cái của họ cũng có thể gặp phải tình trạng này.
  • Tuổi: Nhiều báo cáo cho thấy lồi xương hàm dưới thường xảy ra ở độ tuổi trên 30.
  • Thói quen nghiến răng: Nghiến răng thường xuyên làm tăng nguy cơ lồi xương hàm dưới.
  • Mật độ khoáng chất của xương: Một vài nghiên cứu khoa học cho thấy, những người bị Torus có mật độ khoáng trong xương cao hơn so với người bình thường cùng tuổi.

Một số dấu hiệu nhận biết lồi xương hàm dưới bao gồm:

  • Cảm thấy khó khăn khi nói, nhai, nuốt;
  • Thức ăn hay bị kẹt ở vị trí xương lồi;
  • Có các cục cứng bên trong miệng;
  • Xương hàm dưới có vị trí lồi ra bất thường.

Vẩu xương hàm dưới/trên

Vẩu xương hàm dưới/trên là một vấn đề khá phổ biến. Mặc dù tình trạng này không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng nó gây ảnh hưởng xấu về mặt mỹ quan.

Đặc trưng của vẩu xương hàm dưới/trên là hàm dưới/trên không khớp với hàm trên/dưới và hàm bị đưa ra phía trước nhiều hơn.

Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng hô hàm như niềng răng, chỉnh hình, phẫu thuật,...

Một số cách tăng cường sức khỏe xương hàm

Xương hàm đóng vai trò quan trọng trong việc định hình khuôn mặt, hàm răng và các hoạt động của miệng, mặt. Chính vì thế, việc giữ cho xương hàm luôn khỏe mạnh là một vấn đề quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp giúp giữ xương hàm khỏe mạnh:

  • Hạn chế vận động quá mạnh hoặc các môn thể thao mạo hiểm: Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ chấn thương xương hàm, tránh cho xương bị gãy, trật.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm quá cứng: Đồ ăn quá cứng sẽ tạo ra một áp lực lớn lên xương hàm khiến xương dễ bị trật khớp.
  • Hạn chế thực phẩm có hàm lượng chất béo cao: Chất béo có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm xương hàm.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày: Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để loại bỏ vi khuẩn bám trên răng, miệng, giúp giảm nguy cơ sâu răng, viêm xương,...
  • Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Xương hàm: Cấu tạo, chức năng và một số bệnh lý liên quan
Khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề bất thường

Tóm lại, xương hàm là một bộ phận của hệ xương mặt, có vai trò quan trọng trong việc định hình khuôn mặt, hàm răng và góp phần tạo nên các hoạt động của mặt. Vì vậy, việc giữ cho xương hàm luôn khỏe mạnh là điều cần thiết. Hy vọng những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.