Đơn vị:

Tại sao phải tiêm mông?

Linh lan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu -Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu.

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều loại thuốc khác nhau, có loại được sử dụng đường uống, có loại được sử dụng đường tiêm hoặc truyền.... Thuốc tiêm lại được chia thành tiêm tĩnh mạch, thuốc tiêm bắp thịt, tiêm dưới da, tiêm trong da,... Mông là một vị trí thường được lựa chọn khi sử dụng các loại thuốc tiêm bắp thịt.

1. Tại sao phải tiêm mông?

Trước tiên chúng ta cần hiểu tiêm thuốc là việc sử dụng bơm và kim tiêm để bơm thuốc dạng dung dịch hòa tan trong dầu, trong nước hoặc dạng hỗn dịch vào trong cơ thể qua đường tĩnh mạch, bắp thịt, dưới da, trong da hay vào trong các khoang thanh mạc, ống sống,... Việc đưa thuốc vào trong cơ thể qua đường tiêm thường có tác dụng nhanh hơn so với việc uống thuốc.

Tiêm bắp thịt là tiêm thuốc vào trong bắp thịt của người bệnh, thuốc sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn tiêm dưới da. Bởi các cơ được tưới máu nhiều và luôn luôn co bóp, do đó quá trình hấp thu thuốc tại bắp thịt nhanh hơn ở mô liên kết dưới da. Đồng thời cảm giác đau tại cơ không nhạy bằng mô dưới da nên có thể tiêm bắp những thuốc kích thích mạnh như Streptomycin, Penicillin, Emetin, Quinin, huyết thanh chữa bệnh hoặc máu cũng có thể tiêm vào bắp.

Tiêm bắp thịt có thể tiêm ở cánh tay, ở đùi hay ở mông. Vậy tại sao chúng ta thường thấy tiêm mông nhiều hơn? Đó là bởi về cơ mông là một cơ lớn với khối lượng cơ lớn, đồng thời đây cũng là nơi an toàn bởi có ít dây thần kinh và mạch máu lớn đi qua. Chính vì vậy mà các bác sĩ, y tá thường lựa chọn tiêm mông đối với các loại thuốc được chỉ định tiêm bắp.

Tại sao phải tiêm mông?

2. Chỉ định và chống chỉ định tiêm mông

2.1. Chỉ định tiêm mông

Tiêm mông cũng như tiêm bắp nói chung có thế tiêm nhiều loại dung dịch đẳng trương khác nhau như là:

  • Thuốc dạng dầu lâu tan, dễ gây đau.
  • Ete, Quinin.
  • Dung dịch keo, muối thủy ngân, muối bạc, các loại kháng sinh, hormone,... chậm tan, gây đau nên phải tiêm bắp thịt.
  • Về lý thuyết, tất cả các loại thuốc tiêm vào mô liên kết dưới da được thì đều có thể tiêm bắp thịt được ngoại trừ Cafein.
  • Có một số loại thuốc không nên hoặc không được tiêm vào tĩnh mạch mà muốn có hiệu quả nhanh hơn tiêm dưới da thì nên tiêm bắp.
  • Các thuốc dễ kích thích khi tiêm dưới da, hấp thu chậm có thể tiêm bắp.
  • Trường hợp da nứt nẻ, tiêm dưới da không có chỉ định.
Tại sao phải tiêm mông?

2.2. Chống chỉ định tiêm mông

Tiêm bắp nói chung và tiêm mông nói riêng chống chỉ định với những loại thuốc gây hoại tử tổ chức như là Calci clorua, Ouabain,...

3. Kỹ thuật tiêm mông

3.1. Xác định vị trí tiêm mông

Vùng mông có mạch máu lớn và thần kinh hông to chạy qua do đó cần phải xác định chính xác vị trí tiêm để tránh tiêm vào dây thần kinh tọa. Tuy nhiên các bạn đừng lo lắng, bởi vùng mông rất lớn, việc xác định vị trí tiêm cũng rất dễ dàng.

Vùng mông được giới hạn bởi 4 đường, đó là:

  • Phía trên: được xác định bởi đường nối hai mào chậu.
  • Phía dưới: là nếp lằn mông.
  • Phía trong: là rãnh liên mông.
  • Phía ngoài: là mép ngoài mông.

Có 2 cách để xác định vị trí tiêm mông đó là:

  • Cách 1:
  • Chia một bên mông thành 4 phần bằng nhau, vị trí tiêm thuốc là ở 1/4 trên ngoài.
  • Nếu tiêm vào phần dưới ngoài sẽ tiêm vào khớp háng.
  • Nếu tiêm vào các phần bên trong sẽ vào dây thần kinh hông to và các mạch máu.
  • Cách 2:
  • Tiến hành kẻ một đường nối thẳng từ gai chậu trước trên đến mỏm xương cụt, chia đoạn này thành 3 phần bằng nhau, vị trí tiêm là 1/3 trên ngoài của đoạn kẻ này.
  • Lý do bởi vùng này có lớp cơ dày, không có dây thần kinh hông to và mạch máu lớn.

Tư thế bệnh nhân khi tiêm mông đó là một trong hai tư thế sau:

  • Bệnh nhân nằm sấp.
  • Ngồi ghế tựa mặt quay vào lưng ghế và hai tay ôm lấy lưng ghế để lộ phần mông còn lại ra ngoài là vị trí tiêm.
Tại sao phải tiêm mông?

3.2. Thực hành kỹ thuật tiêm mông

Kỹ thuật tiêm mông có hai cách sau:

Tiêm mông một thì:

  • Bộc lộ vùng mông sau đó xác định vị trí tiêm theo một trong hai cách trên.
  • Sát khuẩn vị trí tiêm bằng cồn iod, sau đó bằng cồn 700.
  • Điều dưỡng tiến hành sát khuẩn tay bằng cồn 700.
  • Tay trái: dùng ngón cái và ngón trỏ để căng da vị trí định tiêm.
  • Tay phải: cầm bơm tiêm đã lấy thuốc và đã có kim tiêm, ngón út đỡ vào đốc kim; ngón cái, ngón giữa, ngón nhẫn cầm trên thân bơm tiêm; ngón trỏ đỡ ruột bơm tiêm, đâm thẳng góc vào vị trí tiêm, ấn nhanh kim vào thật sâu, nhưng không được cắm ngập đốc kim, cách đốc khoảng 0,5 - 1cm. Trong trường hợp kim tiêm chạm vào xương thì cần phải rút ra một chút. Sau đó tay trái buông khỏi mặt da, xoay nhẹ pít tông thử xem có máu ra theo hay không. Nếu không có máu thì từ từ bơm thuốc vào, trong quá trình tiêm cần theo dõi sắc mặt của bệnh nhân.
  • Khi đã bơm hết thuốc trong bơm tiêm, tay trái lại đặt trên mông để căng da như lúc trước, tay phải nhẹ nhàng rút kim nhanh theo phương thẳng đứng.
  • Tiến hành sát khuẩn lại vị trí tiêm bằng bông cồn.
Tại sao phải tiêm mông?

Tiêm mông hai thì:

  • Bộc lộ vùng mông sau đó xác định vị trí tiêm theo một trong hai cách trên.
  • Sát khuẩn vị trí tiêm bằng cồn iod, sau đó bằng cồn 700.
  • Điều dưỡng tiến hành sát khuẩn tay bằng cồn 700.

Thì 1:

  • Tay trái dùng ngón cái và ngón trỏ để căng da vị trí định tiêm. Tay phải dùng ngón cái và ngón trỏ cầm chắc đốc kim tiêm, khi này kim tiêm vẫn chưa cắm vào bơm tiêm.
  • Ba ngón tay còn lại của tay phải gập lại và vỗ nhẹ vào mông bệnh nhân mấy cái để đánh lạc hướng tập trung, sau đó đâm kim nhanh theo phương thẳng góc 900 vào đúng vị trí tiêm đã định. Tương tự như trên, cũng không được cắm ngập sát đốc kim.

Thì 2:

  • Sau khi đã đâm kim vào mông rồi mới tiến hành lắp bơm tiêm đã có thuốc và đã đuổi hết khí vào đốc kim. Hút thử xem có máu không. Nếu không có máu thì tiến hành bơm thuốc từ từ vào và theo dõi bệnh nhân. Nếu như hút thử mà có máu thì cần phải rút kim ra và tiêm vào vị trí khác.
  • Khi tiêm hết thuốc, điều dưỡng dùng ngón cái và ngón trỏ tay trái căng da, tay phải rút kim thật nhanh theo phương thẳng đứng.
  • Sát khuẩn lại vị trí tiêm bằng bông cồn.

4. Tai biến khi tiêm mông

Khi tiêm bắp mông có thể gặp phải một số tai biến sau:

  • Tai biến quằn kim, gãy kim
  • Đâm kim vào dây thần kinh hông to.
  • Gây tắc mạch.
  • Áp xe nhiễm khuẩn, áp xe vô khuẩn.
  • Gây mảng mục...
  • Sốc phản vệ: đây là tai biến nguy hiểm nhất.

Tiêm mông là một dạng tiêm bắp thịt thường được sử dụng, bởi vị trí tiêm là cơ mông lớn, việc xác định dễ dàng. Tuy nhiên nếu chủ quan, hoặc không nắm rõ cách xác định vị trí, kỹ thuật tiêm thì vẫn có thể dẫn tới những tai biến nguy hiểm cho bệnh nhân.

Tại sao phải tiêm mông?

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.