Đơn vị:

Tháng 9 miền Bắc đón không khí lạnh, mưa bão tập trung ở Trung và Nam Bộ

lý tư thư
Dự báo năm nay không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10, bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền cao hơn trung bình nhiều năm, tập trung ở Trung và Nam Bộ.

Miền Bắc đón không khí lạnh từ tháng 9

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, từ tháng 9-11, ENSO khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% và duy trì từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025 với xác suất khoảng 65-75%.

Trong các tháng 9,10,11/2024, so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn, trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn, tập trung nhiều ở Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Ba tháng sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông dự báo cũng ở mức xấp xỉ và khả năng ảnh hưởng đến đất liền.

Tháng 9-10, nắng nóng có thể xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10, xu hướng gia tăng tần suất và cường độ mạnh dần từ tháng 11.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 9-10/2024 trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C; tháng 11 ở mức xấp xỉ.

Không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 12/2024, tháng 1/2025. Rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ nguy cơ xuất hiện vào nửa cuối tháng 12/2024, tương đương so với trung bình nhiều năm.

du-bao-khong-khi-lanh-1723783530.png
Dự báo năm nay không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10.

Trong tháng 1 và tháng 2/2025, rét đậm, rét hại tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Cần đề phòng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài khoảng 5-8 ngày, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá ở vùng núi Bắc Bộ.

Từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở vịnh Bắc Bộ dao động 2-4m trong 3 tháng này, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ 3-5m. Ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ đề phòng sóng lớn kết hợp nước dâng do bão và áp thấp nhiệt đới.

Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc muộn

Cũng theo cơ quan khí tượng, mùa mưa ở Trung Bộ được dự báo xuất hiện vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9, trong đó mưa lớn tập trung chính vào tháng 10-11/2024.

So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, tổng lượng mưa trong tháng 9-10 ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn 10-30%, tháng 11 thấp hơn 10-30%, trong đó khu Tây Bắc tháng 10 thấp hơn 5-15%.

Tại Trung Bộ, tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa cao hơn so với nhiều năm 10-30%, các tỉnh phía Bắc thuộc Bắc Trung Bộ tháng 11 thấp hơn 5-15%. Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 9-11 cao hơn 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 12/2024). Tây Nguyên và Nam Bộ vào tháng 1-2/2025 khả năng xuất hiện mưa trái mùa.

Tháng 12/2024, tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị 100-200mm; Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa 250-500mm, có nơi cao hơn, các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận 50-100mm. Trong đó, Bắc Trung Bộ tổng lượng mưa tháng này 15-30mm, có nơi cao hơn, đặc biệt ở nam Nghệ An - Hà Tĩnh 50- 100mm, có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, từ tháng 12/2024-12/2025, dự báo ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 6 đợt triều cường: Đợt 1 từ 31/11-6/12, đợt 2 từ 14-18/12, đợt 3 từ 31/12/2024-3/1/2025, đợt 4 từ 13-16/1/2025, đợt 5 từ 13-14/2/2025 và đợt 6 từ 26-28/2/2025.

“La Nina” (hay còn gọi là bé Hài Đồng nữ) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.

Để thể hiện sự ngược nhau giữa hai hiện tượng này có khi người ta dùng khái niệm Anti-El Nino (đối El Nino). Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).