Đơn vị:

Phì đại cuốn mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phòng ngừa

Linh lan

Phì đại cuốn mũi là một trong những nguyên nhân gây nghẹt mũi dai dẳng. Bệnh không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như viêm mũi xoang, ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ.

Phì đại cuốn mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phòng ngừa
Phì đại cuốn mũi là tình trạng các mô của cuốn mũi quá lớn, gây tắc nghẽn mũi.

Phì đại cuốn mũi là gì?

Phì đại cuốn mũi là tình trạng các mô của cuốn mũi quá lớn, gây tắc nghẽn mũi. Mô cuốn dưới bao gồm nhiều nhóm mạch máu và có thể sưng lên do nhiều yếu tố bao gồm dị ứng, cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm nhiễm, do tiếp xúc với một số loại thuốc, mang thai hoặc không rõ lý do.

Khoang mũi thường chứa ba cuốn mũi ở mỗi bên: cuốn mũi trên, cuốn mũi giữa và cuốn mũi dưới.

Khoảng 50% luồng không khí mũi đi qua giữa cuốn mũi giữa và cuốn dưới. Vì vậy, sự phì đại bất thường của hai cấu trúc này có thể là thủ phạm gây tắc mũi.

Nguyên nhân phì đại cuốn mũi

Một số yếu tố có thể dẫn đến chứng phì đại cuốn mũi là:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm;
  • Viêm mũi không dị ứng hoặc vận mạch;
  • Thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm;
  • Dùng một số loại thuốc hoặc đang điều trị bằng hormone;
  • Cảm lạnh thường xuyên tái phát;
  • Tiếp xúc với một số hóa chất;
  • Hút thuốc;
  • Căng thẳng cảm xúc;

Triệu chứng bệnh phì đại cuốn mũi

Dấu hiệu phì đại cuốn mũi có thể biểu hiện như sau:

  • Cảm giác nghẹt mũi;
  • Khó thở;
  • Đau đầu;
  • Tiết chất nhầy từ mũi vào cổ họng;
  • Viêm xoang;
  • Ngáy;
  • Ho khan;
  • Khô miệng;
  • Khứu giác bị suy giảm;
  • Hôi miệng;
  • Ngứa mũi;
  • Ngưng thở khi ngủ;
  • Đau ở gốc mũi;
  • Hắt xì;
  • Chảy máu cam;
  • Giọng mũi;
  • Mất thính lực;
  • Một cảm giác bị bóp nghẹt trong tai.

Chẩn đoán bệnh phì đại cuốn mũi

Để xác định phì đại cuốn mũi, bác sĩ tai mũi họng sẽ thăm khám, hỏi về các triệu chứng của người bệnh, sau đó sẽ tiến hành nội soi mũi bằng ống soi 4mm có đèn. Máy nội soi sẽ giúp quan sát trực tiếp cấu trúc của khoang mũi, đồng thời giúp xác định nguyên nhân gây nghẹt mũi.

Đối với một số bệnh nhân, chụp CT và xét nghiệm dị ứng cũng có thể được chỉ định. (1)

Phì đại cuốn mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phòng ngừa
Nội soi mũi xoang là phương pháp thường quy để chẩn đoán phì đại cuốn mũi nói riêng và các bệnh lý về mũi xoang nói chung.

Biến chứng phì đại cuốn mũi

Bệnh phì đại cuốn mũi có thể gây ra chảy máu dai dẳng nhưng hiếm khi dẫn đến bệnh thiếu máu. Nếu không được điều trị, về lâu dài, bệnh lý này có thể gây ra các biến chứng như nghẹt mũi mạn tính dẫn đến viêm mũi xoang mạn tính, hoặc thiếu oxy máu, giấc ngủ kém gây ảnh hưởng đến tâm thần.

Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể phát triển nếu phì đại cuốn mũi gây nghẹt mũi kéo dài. Ngưng thở khi ngủ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe từ mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống cho đến đe doạ tính mạng. Ví dụ như nó có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về viêm họng, tim mạch và đột quỵ.

Cách chữa phì đại cuốn mũi

Các phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi phần lớn phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi cá nhân.

1. Điều trị nội khoa

Trong trường hợp phì đại nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể kê thuốc xịt mũi steroid, thuốc dị ứng tại chỗ và đường uống, nước muối rửa mũi và đôi khi là thuốc thông mũi để làm giảm sưng tấy của cuốn mũi, giúp mũi thông thoáng, dễ chịu hơn.

2. Điều trị ngoại khoa

Trong những trường hợp phì đại cuốn mũi không cải thiện được bằng thuốc, phẫu thuật (cắt bỏ cuốn giữa, cắt một phần niêm mạc cuốn dưới và xương của cuốn mũi hoặc bóc tách dưới niêm mạc) có thể được cân nhắc thực hiện. Việc cắt bỏ một phần cuốn mũi hoặc lớp dưới niêm mạc nhằm giảm kích thước của cuốn dưới. (2)

Hai trong số các quy trình được thực hiện phổ biến nhất bao gồm cắt bán phần cuốn mũi dưới và cắt dưới niêm mạc (SMR). Cả hai đều có hiệu quả trong việc giảm thiểu sưng niêm mạc cuốn mũi và làm giảm niêm mạc xung huyết.

2.1 Cắt bán phần cuốn mũi dưới

Trong quy trình này, bán phần ngoài của cuốn mũi được cắt bỏ (bao gồm niêm mạc, mô và xương cuốn dưới), bán phần trong được giữ lại để duy trì hoạt động sinh lý của mũi.

2.2 Cắt dưới niêm mạc (SMR)

Đối với thủ thuật SMR, một vết rạch nhỏ được thực hiện ở phần trước (đầu) của cuốn dưới. Việc bóc tách được thực hiện để tạo ra một túi trong lớp lót dưới niêm mạc nhằm mục đích đặt một dụng cụ hỗ trợ gọi là máy cắt lọc siêu nhỏ.

Máy cắt vi mô sử dụng lực hút để kéo mô dưới niêm mạc căng cứng của cuốn mũi dưới vào, và các lưỡi quay sẽ cắt hoặc thu nhỏ nó. Khi lớp dưới niêm mạc đã được bóc tách, quá trình lành vết thương bắt đầu và mô sẹo hình thành để ngăn lớp niêm mạc sưng tấy như trước khi phẫu thuật.

Phì đại cuốn mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phòng ngừa
Trong những trường hợp phì đại cuốn mũi không cải thiện được bằng thuốc, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật.

3. Chăm sóc sau điều trị phì đại cuốn mũi

Bác sĩ Phát lưu ý, sau phẫu thuật điều trị phì đại cuốn mũi, vết thương sẽ đóng vảy trong khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, người bệnh nên thường xuyên rửa mũi bằng nước muối và sử dụng thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng.

Tình trạng chảy máu trong vài ngày sau phẫu thuật là điều bình thường. Bạn có thể chấm nhẹ mũi bằng khăn giấy, nhưng không xì mũi. Tránh dùng aspirin, NSAID (chẳng hạn như ibuprofen, Advil, Motrin, naproxen hoặc Aleve) trong ít nhất hai tuần vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật.

Dùng nước muối sinh lý xịt mỗi lỗ mũi 3-4 lần/ngày trong hai tuần. Nước muối giúp rửa sạch tất cả các vảy và máu khô để giữ cho mũi sạch sẽ trong quá trình chữa lành và tăng tốc độ chữa lành bằng cách duy trì môi trường ẩm trong mũi.

Người bệnh có thể sử dụng thuốc thông mũi tại chỗ 2 lần xịt vào mỗi bên mũi 2 lần/ngày trong một tuần. Sau đó, bạn có thể dùng khi cần thiết để kiểm soát chảy máu nhỏ trong khoảng thời gian tối đa là một hoặc hai ngày. Thuốc thông mũi làm giảm tình trạng sưng ở mũi và có thể giữ cho đường mũi thông thoáng trong giai đoạn lành bệnh.

Bệnh nhân có thể tiếp tục các hoạt động ban ngày bình thường. Đi bộ và tăng cường vận động hơn là nằm trên giường. Bởi vì điều này rất hữu ích để giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi hoặc thuyên tắc huyết khối ở chân. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh hoạt động gắng sức vì có thể làm sưng tấy hoặc chảy máu nhiều hơn.

Mặc dù hiếm gặp, nhưng những rủi ro như chảy máu và nhiễm trùng mũi cũng có thể xảy ra. Hoặc có một tỷ lệ nhỏ nguy cơ các cuốn mũi có thể phì đại trở lại theo thời gian. Nếu điều này xảy ra, người bệnh cần phải thực hiện phẫu thuật lại.

Sau phẫu thuật, người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa và tiếp tục thăm khám định kỳ hằng năm để phòng ngừa nguy cơ phì đại cuốn mũi tái phát.

Phòng ngừa bệnh phì đại cuốn mũi

Để tránh nguy cơ mắc phì đại cuốn mũi, bác sĩ Phát khuyên, mọi người nên chú ý tới những vấn đề sau đây:

  • Tránh để mắc các bệnh mũi xoang tái phát hoặc mãn tính;
  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc hóa chất độc hại;
  • Nên tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm để ngừa bệnh cúm cũng như tránh biến chứng mũi xoang của bệnh cúm;
  • Điều trị triệt để bệnh lý mũi xoang và thăm khám định kỳ mỗi năm hai lần để chủ động phát hiện các bất thường và can thiệp sớm;
  • Giữ cho không khí trong nhà luôn đủ độ ẩm;
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài và hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Câu hỏi thường gặp về phì đại cuốn mũi

1. Phì đại cuốn mũi có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ Phát, phì đại cuốn mũi là bệnh lý lành tính nhưng thường gây ra tình trạng nghẹt mũi mạn tính. Nghẹt mũi khiến người bệnh bắt buộc phải thở bằng miệng dẫn đến nguy cơ viêm họng, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, giấc ngủ kém, đau đầu do thiếu oxy lên não.

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ là một tình trạng nguy hiểm, xảy ra bất ngờ, gây nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại di chứng tàn tật suốt đời như sống thực vật, liệt nửa người…

2. Phì đại cuốn mũi có tự hết không?

Phì đại cuốn mũi không tự khỏi, cần điều trị bằng các loại thuốc. Nếu không đáp ứng, phẫu thuật cuốn mũi sẽ là chỉ định tiếp theo.

3. Chế độ ăn uống cho người bị phì đại cuốn mũi?

Không có chế độ ăn uống riêng nào được khuyến nghị cho người mắc phì đại cuốn mũi. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh ăn các thức ăn gây dị ứng để phòng ngừa nguy cơ dị ứng mũi xoang làm nghiêm trọng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra, bạn nên hạn chế uống nước đá gây kích ứng mũi họng.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị phì đại cuốn mũi và các bệnh lý về tai mũi họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:

Người bệnh ít khi nghĩ đến khả năng mắc phì đại cuốn mũi do phần lớn các triệu chứng của bệnh cũng giống như các triệu chứng của các bệnh lý mũi xoang khác. Tuy nhiên, nếu nghẹt mũi và/hoặc chảy máu mũi kéo dài quá 2 tuần không khỏi, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Điều này giúp phát hiện đúng nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống.