Đơn vị:

Phẫu thuật nâng mũi - Tất tần tật những thông tin cần biết

Linh lan

1. Phẫu thuật nâng mũi là gì?

Phẫu thuật nâng mũi có lẽ rất quen thuộc với chúng ta, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Đây là phương pháp chỉnh hình mũi, có thể là can thiệp hoặc không can thiệp vào cấu trúc giải phẫu mũi để làm thay đổi chiều cao, độ cong và hình dáng của mũi. Sau phẫu thuật, mũi sẽ trở nên hài hòa và cân đối với khuôn mặt.

Phẫu thuật nâng mũi được chỉ định thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau, nhiều nhất phải kể đến các trường hợp sau.

  • Mũi thấp, tẹt, cánh mũi bè và nhìn như không có sống mũi.
  • Mũi cao nhưng lại bị gồ, vẹo, không thẳng hàng.
  • Mũi bị dị tật bẩm sinh.
  • Mũi bị dính chấn thương.
  • Mũi gây ra các vấn đề cho sức khỏe, chẳng hạn như khó thở, nghẹt thở.

Phẫu thuật nâng mũi - Tất tần tật những thông tin cần biết

Để cải thiện dáng mũi, nhiều người lựa chọn phẫu thuật nâng mũi

2. Quy trình phẫu thuật nâng mũi

Quy trình phẫu thuật nâng mũi là khác nhau giữa phẫu thuật nâng mũi đơn thuần và phẫu thuật nâng mũi cấu trúc.

Phẫu thuật nâng mũi đơn thuần

Phương pháp phẫu thuật này phù hợp với mũi không quá nhiều khuyết điểm. Việc thực hiện phẫu thuật cũng đơn giản và không mất nhiều thời gian do bác sĩ chỉ rạch đường hầm dưới da và cốt mạc xương mũi rồi đặt khung sụn vào để tạo hình sống mũi là xong.

Hiện nay, khung sụn tạo hình sống mũi được làm từ nhiều chất liệu, bao gồm chất liệu tổng hợp và chất liệu tự thân. Để mang lại hiệu quả cao nhất thì bác sĩ thường kết hợp cả 2 chất liệu, cụ thể là silicon với sụn vành tai.

Ưu điểm của phẫu thuật nâng mũi đơn thuần là không can thiệp nhiều vào cấu trúc giải phẫu của mũi nên hạn chế được nguy cơ biến dạng. Tuy nhiên, hạn chế là chỉ phù hợp với những mũi không có nhiều khuyết điểm.

Phẫu thuật nâng mũi - Tất tần tật những thông tin cần biết

Quy trình phẫu thuật nâng mũi như thế nào còn tùy thuộc vào phương pháp

Phẫu thuật nâng mũi cấu trúc

Phương pháp phẫu thuật này phù hợp với mũi có nhiều khuyết điểm do bẩm sinh hoặc do chấn thương. Việc thực hiện mất nhiều thời gian và có thể phải làm liên tiếp nhiều phẫu thuật để thay đổi cấu trúc đầu mũi và nâng sống mũi, cụ thể như sau.

  • Làm phẫu thuật lấy sụn tự thân, có thể là sụn vách mũi, sụn vành tai hoặc sụn sườn.
  • Tiến hành phẫu thuật thay đổi cấu trúc đầu mũi bằng cách làm bộc lộ đầu mũi, tiếp cận sụn vách mũi và sụn cánh mũi. Tiếp đến, đưa sụn tự thân vừa lấy được vào để tạo khung sụn đầu mũi mới.
  • Thực hiện phẫu thuật nâng sống mũi.

Ưu điểm của phẫu thuật nâng mũi cấu trúc là khắc phục triệt để các khiếm khuyết của mũi, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho mũi. Ngoài ra, cũng có thể cải thiện được một vài vấn đề về sức khỏe do mũi gây ra. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian thực hiện lâu, chi phí cao và có thể đối mặt với biến chứng biến dạng, nhất là khi thực hiện ở các cơ sở không uy tín.

3. Lưu ý trước và sau khi phẫu thuật nâng mũi

Để an toàn cho sức khỏe, tránh biến chứng trong và sau phẫu thuật nâng mũi, bạn cần thực hiện tốt những hướng dẫn sau.

Trước khi phẫu thuật nâng mũi

Bạn sẽ được thăm khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm quan trọng. Đây là cơ sở để bác sĩ đánh giá và quyết định bạn đủ điều kiện để làm phẫu thuật hay không. Đồng thời, trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật nâng mũi phù hợp.

Sự phù hợp ở đây có nghĩa là phù hợp với đặc điểm mũi cũng như mong muốn và điều kiện của bản thân. Do đó, bạn đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để có được chỉ định tối ưu nhất.

Trong 1 tuần trước phẫu thuật, hãy tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. Ngoài ra, thuốc chống viêm hay các loại thảo dược cũng cần hạn chế hoặc cân nhắc sử dụng để tránh ảnh hưởng đến tình trạng chảy máu trong và sau phẫu thuật.

Đêm trước phẫu thuật, không nên ăn uống, đồng thời, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và đi ngủ sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật nâng mũi vào sáng hôm sau.

Phẫu thuật nâng mũi - Tất tần tật những thông tin cần biết

Bạn được kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước khi phẫu thuật nâng mũi

Sau khi phẫu thuật nâng mũi

Trong 1 tuần đầu sau phẫu thuật, bạn luôn phải đeo nẹp mũi đúng hướng dẫn. Việc này vừa giúp cố định dáng mũi, vừa tránh những va chạm vô tình xảy ra khiến dáng mũi bị ảnh hưởng và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

Các triệu chứng bầm tím hay sưng húp ở mũi hoặc xung quanh mũi là bình thường. Để giảm khó chịu, bạn có thể chườm lạnh hoặc uống thuốc được bác sĩ kê toa. Sau 2 - 3 ngày thì tình trạng sẽ thuyên giảm.

Sau 1 tuần phẫu thuật, bạn có thể được tháo nẹp mũi, các hiện tượng bầm tím hay sưng húp cũng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mũi vẫn chưa hồi phục hoàn toàn mà vẫn đang trong giai đoạn “vào dáng”. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, tránh tập thể dục hay vận động mạnh, đặc biệt là các tư thế uốn cong hay làm căng cơ thể.

Sau 2 - 3 tuần, về cơ bản, bạn có thể sinh hoạt bình thường, mũi đã trông tự nhiên hơn. Và sau 6 tháng, mũi đã lành hẳn cũng như dáng mũi đã rõ nét, nhìn vào khó có thể nhận biết bạn đã vừa trải qua chỉnh sửa mũi.

Phẫu thuật nâng mũi - Tất tần tật những thông tin cần biết

Sau phẫu thuật nâng mũi, chú ý trong sinh hoạt và dùng thuốc theo chỉ định

Đặc biệt, hãy tái khám đúng lịch hẹn bác sĩ yêu cầu để đảm bảo vết mổ hồi phục tốt, mũi đã vào form như mong muốn. Bạn tuyệt đối không bỏ qua việc tái khám vì phẫu thuật nâng mũi cũng giống như các phẫu thuật khác, có thể gây biến chứng xuất huyết, nhiễm trùng. Nghiêm trọng hơn, phẫu thuật này tiềm ẩn một số rủi ro khác như chảy máu cam, khó thở, dáng mũi bất thường, sẹo trên mũi, thủng đầu mũi,…

Trên đây là tất tần tật những chia sẻ về phẫu thuật nâng mũi, hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích. Mọi nhu cầu đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.