Ông bà ta có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ" để nhấn mạnh tầm quan trọng của lời chào trong hoạt động giao tiếp, đồng thời khẳng định giá trị to lớn về thái độ, tình cảm giữa con người với con người. Và trong văn hóa nước Pháp, "bisous" chính là lời chào đặc trưng. Vậy cụ thể "bisous" là gì? Hãy cùng VOH khám phá ngay sau đây.
"Bisous" là gì?
"Bisous", một danh từ trong tiếng Pháp, có nghĩa là "hôn", "nụ hôn", "cái hôn". Đây là từ dùng để biểu thị nụ hôn trong các tình huống giao tiếp hằng ngày giữa bạn bè thân thiết, người thân hoặc người yêu. Ngoài ra, từ "bisous" còn được sử dụng ở cuối thư dành cho đối tượng người nhận là trẻ em, những người thân thiết hoặc người yêu.
Có một số giả thuyết khác nhau về lý do tại sao người Pháp nói “bisous”. Trong đó có một giả thuyết cho rằng, đó là sự biến đổi của từ “bacio” trong tiếng Ý, có nghĩa là “hôn”. Dù nguồn gốc của từ "bisous" là gì thì hiện nay đây vẫn là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong tiếng Pháp.
"Nụ hôn bisou" là gì?
Bisou / bizu / có nghĩa là "hôn".
"Nụ hôn bisou" hiểu đơn giản là một nụ hôn trên má hoặc chạm môi giữa những người có mối quan hệ thân thiết. Cử chỉ thân mật này biểu thị sự quan tâm, kết nối thay cho một lời chào hoặc lời tạm biệt. Có thể xem "nụ hôn bisous" là một nét đặc sắc trong văn hóa Pháp.
Xem thêm: Mãi mận, mãi keo là gì trong ngôn ngữ thế hệ gen Z? Flex nghĩa là gì mà lại được cộng đồng mạng yêu thích "bắt trend"? Ét o ét là gì mà gây sốt với giới trẻ khiến ai cũng “ra hiệu”?
Phân biệt "bisous" và "bise"
Trong tiếng Pháp, từ "nụ hôn" có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Trong số đó có hai từ phổ biến và cũng rất dễ gây nhầm lẫn đó là "bisous" và "bise". Mặc dù các từ này có liên quan đến hành động hôn, nhưng chúng được sử dụng trong ngữ cảnh khác nhau. Cụ thể:
- "Bise": Kiểu hôn này khá trang trọng, người ta chỉ chạm má vào nhau trong lời chào hỏi hoặc tạm biệt. Vì không có tính chất lãng mạn nên được sử dụng giữa bạn bè và người quen trong bất kỳ giới tính nào, đặc biệt là giữa hai người phụ nữ, một người phụ nữ và một người đàn ông. Còn với hai người đàn ông, họ thường sử dụng "bise" trong lời nói / viết chỉ khi họ là bạn bè của gia đình và rất thân thiết. "Bise" thường được thể hiện nhiều nhất trong biểu thức "faire la bise." Ngoài ra, "bises" cũng có thể được sử dụng khi tạm biệt hoặc kết thúc một bức thư nếu bạn muốn thể hiện thái trang trọng và giữ khoảng cách với người nhận.
- "Bisou": Đây là phiên bản thân mật hơn của "bise", đề cập đến cử chỉ hôn trên má hoặc trên môi, dành cho những người có mối quan hệ rất thân thiết.
"Faire la bise" thế nào mới đúng?
Những tưởng là một hành động nhỏ nhưng văn hóa "chạm má" lại thể hiện rõ tính cách đặc trưng của người dân từng vùng. Vì vậy mà người Pháp có một câu nói rất nổi tiếng là: "Hãy cho tôi biết bạn bisous bao nhiêu cái, tôi sẽ cho bạn biết bạn ở vùng nào”.
Theo đó, có những vùng chỉ bisous một cái thể hiện người dân ở đó có phần hơi lạnh lùng, kín đáo. Khoảng 60% người Pháp ở những vùng như Paris, Lyon, đảo Corse... sẽ bisous 2 cái. Miền Nam Paris thường bisous 3 cái. Thậm chí, một số tỉnh phía Bắc, bisous đến tận 4, 5 cái để tỏ lòng hiếu khách, thể hiện sự cởi mở và hướng ngoại.
Thông thường, người Pháp sẽ bisous má phải sang má trái. Tuy nhiên, ở phía Tây Nam, Đông Nam và Đông, người Pháp sẽ bisous từ bên trái sang bên phải, ngoại trừ vùng Haute - Normandie. Đây rất có thể là do ảnh hưởng từ người Ý tại vùng láng giềng Piedmon.
Ở Pháp, việc quyết định chào hỏi theo phong cách “faire la bise” phụ thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh và mối quan hệ giữa bạn với người đối diện. Mặc dù, nụ hôn này luôn là một phần đặc trưng trong văn hóa của "đất nước hình lục lăng", tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp gặp gỡ đều dùng lời chào “bisous”. Ví dụ, tại các cơ quan hành chính hoặc trường học, người Pháp chỉ chào thông thường (Bonjour, Bonsoir) hoặc sẽ bắt tay.
Thêm vào đó, bạn không được vồ vập nếu không muốn bị xem là thất lễ hoặc hờ hững vì sẽ khiến đối phương nghĩ bạn không thích họ.
“La bise" cũng rất dễ thực hiện, bạn chỉ cần nghiêng nhẹ đầu về phía người đối diện, chạm má vào nhau, sau đó phát ra âm thanh của nụ hôn thật tinh tế, không có tiếng “mwah” lớn. Đặc biệt, không được chạm môi vào má của họ vì đây không còn là cử chỉ xã giao nữa.
"Bisou" là gì trên Facebook?
Những lúc hệ thống của Facebook gặp vấn đề, trên mạng xã hội lại rầm rộ các bài đăng với dòng chữ "CẢNH BÁO" nổi bật. Theo những chia sẻ ấy, nguyên nhân sự cố kéo dài là do Facebook đang bảo trì hệ thống, đồng thời tiến hành quét các tài khoản người dùng để khóa Like, khóa ảnh, khóa bình luận. Để tự kiểm tra lại tài khoản Facebook của mình, người dùng hãy bình luận từ "bisou" lên trang người đăng tải. Nếu kết quả sau khi bình luận, chữ "bisou" hiện màu đỏ nghĩa là tài khoản của người dùng này đã an toàn về bảo mật. Ngược lại, người dùng cần phải tự thay đổi mật khẩu cũng như tăng cường chế độ bảo mật cho tài khoản của mình.
Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là một trò đùa để các tài khoản Facebook tăng lượng tương tác trên trang của mình. Việc gõ cụm từ "bisou" ra màu đỏ, bấm vào sẽ hiển thị trái tim là một tính năng mang tính giải trí đã được Facebook đưa vào sử dụng từ lâu mà không mấy ai chú ý tới. Đối với trường hợp bình luận từ "bisou" nhưng không hiển thị màu đỏ là do đã gõ sai cú pháp hoặc một phần do đang sử dụng phiên bản Facebook cũ chưa được cập nhật tính năng này.
Ngoài "bisou" còn có những từ đặc biệt khác như BFF (best friend forever), Gratula (có nghĩa là "chúc mừng" trong tiếng Hungrary), xoxo (viết tắt của “Hugs and Kisses”, nghĩa là “Ôm và hôn”) hay “chúc mừng” cũng đều có hiệu ứng.
Mặc dù những chiêu trò này không mới nhưng người dùng mạng xã hội cần cảnh giác trước bất kỳ thông tin nào được đăng tải, để tránh tạo ra nguy cơ cho mình trước những kẻ xấu đang ẩn mình trên không gian mạng.
Tóm lại, nụ hôn Bisous là nét văn hóa rất đẹp của người Pháp nói riêng và các nước phương Tây nói chung. Hành động này được xem như lời chào hỏi, lời chào tạm biệt, giúp gắn kết các mối quan hệ. Đồng thời tạo nên một không gian giao tiếp thoải mái và gần gũi.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.