Nhớ lại, chừng chục năm trước, trong một game show trên truyền hình, khi bước vào phần thi cuối cùng mà nếu thắng cuộc, người chơi còn lại có thể ẳm một phần thưởng trị giá đến 50 triệu, MC của chương trình bèn hỏi một câu hỏi muôn thuở: Xin chị cho biết cảm tưởng của chị trước khi bước vào vòng thi đặc biệt… Và chị ấy đã trả lời như sau: "Nếu tôi được thì coi như là của trời cho, còn nếu tôi thua thì cũng chỉ là trò chơi thôi mà!" Khán giả trong trường quay vỗ tay rần rần, tán thưởng cho một cách nói lái thiệt là đúng chỗ, đúng lúc.
Nói lái là một đặc sản của tiếng nước ta. Nhờ cách nói từng tiếng một (ngôn ngữ đơn âm), đồng bào ta có thể “trộm long tráo phụng”, đổi chỗ cho nhau hoặc là thanh điệu (dấu giọng), hoặc là phụ âm đầu/ phần vần của các tiếng, có thể kết hợp hoán đảo vị trí các tiếng, có thể dùng kèm với đồng âm, hay gần âm theo vùng miền.
Kiểu thứ nhất, chính là lái Bắc (chỉ đổi thanh điệu). Kiểu như: Thụy Điển mà cũng có thủy điện? Hoa hậu Mộng Năng là cô nàng nặng mông! “Mộng dưới hoa” (ca khúc) thành… họa dưới mông! Nhà báo Đà Trang, khi lên “Phây” thì dùng nick Chàng Đa …
Còn kiểu kia là lái Nam: Đừng chúc mình sức khỏe nha, sức khỏe là… sẽ khuất đó! “Em về tinh khôi” (ca khúc) nhưng… tôi về em khinh! Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lúc viết báo thường ký tên Thiên Hằng (tức thằng Hiên). Cha đưa con đến trường, cha la lên: "Thôi chết con ơi trễ giờ rồi!" Con vui vẻ nói: "Trễ giờ thì chở về thôi ba!".
Đại đa số là lái đôi (hai tiếng). Nhưng cũng có lái ba. Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ sớm muộn gì cũng sẽ trác táng (!). Muốn cầu gia đạo nên phải cạo da đầu. Nó hành nghề chà đồ nhôm, nghĩa là chuyên chôm đồ nhà…
Thậm chí người ta còn có thể lái liên tiếp những cặp hai tiếng kèm theo phép đảo ngữ tạo thành những kiểu diễn đạt ba vế rất ấn tượng. Một nhóm hài đã dựng nên một tiểu phẩm mang tên “Bật mí bí mật bị mất”. Cầm ly rượu, một cô gái nghẹn ngào nói: Em uống ly này thiệt là cháy lòng, bởi em đang chống lầy, vì rất muốn lấy chồng. Thiên hạ thường dặn nhau: Đấu tranh là tránh đâu, coi chừng bị trâu đánh. Vừa đá banh, vừa ăn bánh đa, coi chừng bị ba đánh!
Lối nói lái này tạo thành nhiều câu đối rất độc chiêu: Con cá rô cố ra khỏi rá cô / Chú chó mực chực mó vào chõ mứt; Văn sĩ Nhật Tiến bảo học tiếng Nhật là tiện nhất/ Luật sư Đức Tiến không biết tiếng Đức nên tức điếng…
Chung quanh những cái tên
Sinh ra ta, cha mẹ ông bà đặt cho một cái tên đẹp mà sang, kèm theo biết bao là tin yêu và kỳ vọng. Nhưng “bọn xấu” nào có chịu buông tha. Bích Đào bỗng biến thành Bào... Đít, Mai Liên thành Miên Lai, Dương Cầm thành Dâm Cường… Có cô gái bảo, bây giờ em phải đi gặp Mộng Trà. Ai cũng thắc mắc: Mộng Trà là ai, diễn viên, người mẫu hay hoa khôi nào đây? Hóa ra, Mộng Trà, là Mộng Chè, tức là… mẹ chồng!
Có một “thủ đoạn” thường xuyên bị những kẻ “bất nhơn” thực hiện: ghép vào tên ta thêm một tiếng khác. Những ai tên Đức đều đã từng đau khổ suốt một thời đi học, với những Đức cống / Đức cạp / Đức cớp… Còn Hải, chịu chết thành Hải dưới. Còn Thái, đành sống quen với Thái dúi… Ta tên là Thanh, có “kẻ ác” ghép thêm thành Thanh khùng, nói lái thành Khung thành, rồi “dịch nghĩa” thành Gôn! Trời ơi! Có còn ai nhận ra tên ta nữa không?
Dưới miệt Đồng Tháp, có một anh cán bộ khuyến nông, nổi tiếng với biệt tài lắp ghép tên người. Anh đặt tên “mới” cho hết thảy mọi người trong cơ quan, rồi nối lại thành một cuốn “tiểu thuyết” có lớp có lang, có chương có hồi, dành đãi bạn bè lúc trà dư tửu hậu. Vì cốt truyện này quá “mặn” không thể kể hết ra đây, nên chỉ xin điểm qua vài cái tên để thấy nội công của bực cao thủ: Hiếu ổng (hổng yếu) / Nghiệm chui (nguội chim) / Thành bọc (thọc bành) / Kỳ vô đạp (cạp vô đì)…
Đáng nói nhất, là chuyện một anh tên Kiệt. Bị người đời ác miệng gọi chết tên là Kiệt lặc. Mặc cảm bị… liệt, khiến anh Kiệt mất hết tự tin khi vào chốn đông người, vì sớm muộn gì cũng có kẻ lôi mình ra làm nhục! Nhưng rồi, anh lại được “hồi sinh” nhờ vào tài nghệ của vị đại ca kia, đổi tên anh thành Kiệt thứ thu! Từ ngày được xướng danh là K... thứ thiệt, đời anh vui thấy rõ!
Tài nghệ không kém, là một bác sĩ ở Sài Gòn, cao cường võ nghệ, tên tuổi kiểu gì cũng có thể đổi tráo tức thì. Có lần anh bị một cô gái tên Ảnh bắt bí: Tên em làm sao mà anh lái được! Nào ngờ, vị bác sĩ này liền tung ra ngay một thuật ngữ chuyên môn vốn thường được dùng trong ngoại khoa: "Tên em là “vết thương lành ổn” (l… Ảnh). Thiệt là hết chỗ nói!
Sắc màu tình yêu
Dân gian đã tổng kết bốn sắc màu của tình yêu, theo đúng các giai đoạn của đời người. Thuở mới yêu nhau, sắc màu đẹp nhất chính là màu nho (mò nhau). Khi đã lấy nhau rồi, về ở chung với cha với mẹ, phòng ốc chưa được riêng tư, lại sợ tai vách mạch rừng, cứ vội vội vàng vàng, mà thành ra màu lam (làm mau). Làm ăn khấm khá, có cửa có nhà, lúc này là lúc sung sướng nhất đây, với sắc màu pha lê (cứ phê là la). Nhưng rồi tuổi đời chồng chất, sức khỏe giảm dần, đến lúc chỉ còn lại với đời một màu đọt chuối (chọt là đuối).
Lại nói chuyện yêu đương, bạn trẻ bây giờ xem ra cũng sòng phẳng lắm: Tiền ai nấy tính, tình ai nấy tiến! Và chẳng cần gìn vàng giữ ngọc như người thời xưa chi cho mất thời gian và công sức: Ăn cơm trước kẻng như ăn kem trước cổng! Cứ lao vào nhau thành ra yêu nhiều nên ốm - ôm nhiều nên yếu. Đến lúc thất bại thảm hại trong tình trường mới buột miệng than rằng: Tình theo giấc mộng tan, tàn theo giấc mộng tinh. Rồi chợt ngộ ra rằng: Đời thay đổi khi ta thôi đẩy! Đành chép miệng mà dặn dò nhau: Đừng mơ hão mà thành hao mỡ!
Ít ly thành… y lít!
Bàn nhậu là nơi tụ hội đông đảo giới quái kiệt trong giang hồ. Chuyện nói lái cũng đầy ắp bên chai bia chén rượu, từ câu đố, câu đối cho đến thơ ca nhạc họa, mà đại đa số là những món mặn hết cỡ, không thể ghi lại trên giấy trắng mực đen. Đành chép vào đây vài thứ “khai vị” gọi là điểm tô cho bữa tiệc nói lái mà dân gian ta bao đời nay đã sáng tạo nên thành một thú chơi chữ ngay trong đời thường.
Dân nhậu ngồi vô bàn vô mâm, khi thì đố nhau: Ở đâu có phố Trần Dư? Đáp rằng là phố trừ dân, chỉ dành cho quan phụ mẫu, nơi nào chẳng có. Khi thì thông báo: Nước ta là cường quốc thi ca, nên khắp nơi từ Bắc vào Nam thảy đều có đường Thi Phú (thu phí)! Có lúc kể chuyện chợ Cần Giuộc có bán chuột Cần Giờ, hay dặn dò qua cầu Ông Đen nhớ hỏi kèn ông đâu? Rồi cảnh giác: Nhiều đứa nhìn bao dung, mà quay lưng là bung dao với mình liền! Hoặc tâm sự nỗi lòng Em chưa có gì (còn độc thân) vì chưa gí cò…
Ngay cả chuyện uống rượu cũng thành chuyện nói lái: Cầm ly mời nhau là phải lên tiếng uống theo kiểu nào: kiểu Long Nhĩ (uống để nhỏng ly, không còn gì hết) , kiểu hai ngày cưới (uống chung ly hai người một cái)… Thông thường, chả ai cho phép bạn uống theo lối Mộ Đức (uống có mức độ) mà phải theo mấy anh Đức Phổ (uống như đổ phứt), mấy anh Sơn Trạch (sạch trơn). Uống xong lại phải Tây Bắc (tức là bắt tay). Dân lưu linh thù nhất những kẻ mang tên Lý Đen, Lý Đẻn (lén đi, lẻn đi), Bảy Chọ, Bảy Nhỏ (bỏ chạy, bỏ nhảy).
Sợ vợ nhưng phải giữ gìn thể diện, nên buộc phải dùng ám hiệu ra đấu cho riêng vài chiến hữu cật ruột: bỏ đá (bả đó), Diệu Cơ (vợ kêu), tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu (biểu thôi)…
Chuyện nói lái kể sao cho hết! Nó đơn giản như… đang giỡn, hàng ngày hàng giờ vẫn đang được thưởng thức và sáng tạo, mọi lúc mọi nơi, từ thị thành đến làng quê, từ bục giảng đến hàng quán, từ dân trí thức đến giới bình dân mang lại tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái hay tinh tế, ý nhị cho mỗi người trong cuộc sống đời thường, từ một kiểu nói thuộc vào loại độc nhất vô nhị của tiếng Việt của chúng ta!
Tuổi Trẻ Cười số 524 ra ngày 1/6/2015 hiện đã có mặt tại các sạp báo.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.