Đơn vị:

"Ám ảnh" tiếng sáo diều

Linh lan

Thời gian gần đây, hình ảnh cánh diều no gió với tiếng sáo lơ lửng giữa bầu trời xanh thẳm lại được tái hiện ở thành phố Nam Định và một số địa phương. Tuy nhiên tiếng sáo diều không còn vi vu, ngân nga mà trở thành nỗi ám ảnh của người dân với âm thanh kỳ quái, công suất lớn, liên tục suốt ngày đêm.

Khách quốc tế tham gia trình diễn diều sáo tại Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Diều Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Đến chỗ làm với tâm trạng bất an, cáu kỉnh, chị Trần Thị Nga, nhân viên kế toán Công ty TNHH Sao Vàng (thành phố Nam Định) than phiền với mọi người về việc thời gian gần đây gần khu chị ở, hàng chục chiếc diều bay trên trời, phát ra âm thanh “u u”, “oe oe” suốt ngày đêm khiến cuộc sống của gia đình chị và người dân nơi đây bị ảnh hưởng lớn. Những chiếc diều dài cỡ lớn sải cánh hàng mét, được gắn những bộ sáo “đại” thường được neo cố định trên bầu trời suốt từ sáng đến chiều tối, những ngày không mưa thì thả qua đêm. Tiếng sáo diều không dứt, suốt ngày âm thanh “u u”… đều đều trong không gian. Đêm xuống, các âm thanh xe máy ban ngày không còn, không gian yên tĩnh, những “giai điệu” đều đều ong ong phát ra từ sáo diều càng lớn hơn khiến nhiều người dân bức xúc. Hàng tháng trời, cứ hết chiếc nọ đến chiếc kia, có khi tập hợp cả gần chục chiếc thi nhau phát ra âm thanh kì quái. Ở trong nhà dù đã kéo rèm, đóng cửa kính để giảm âm nhưng không có tác dụng nhiều trong việc ngăn âm thanh. Không chỉ ở đô thị như chị Nga mới khổ vì sáo diều “hiện đại” mà rất nhiều người dân ở tất cả các huyện, thành phố đều bức xúc với thú chơi sáo diều kì quái này. Trực tiếp ghi nhận tại một số khu vực xã Mỹ Hà, Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); xã Nghĩa An, Nam Dương, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) vào nhiều ngày liên tiếp trong tháng 10, 11, chúng tôi đều thấy những chiếc diều sáo cỡ lớn với nhiều màu sắc khác nhau “tung hoành” trên bầu trời phát ra những tiếng kêu liên tục, đinh tai. Trước tình trạng này, người dân đã trực tiếp lần theo vị trí của diều để trực tiếp góp ý với một số người thả diều thiếu ý thức và báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn. Theo ghi nhận của phóng viên: loại sáo diều này chủ yếu của những người chơi diều tự do, không tham gia hiệp hội hoặc câu lạc bộ nào thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam. Họ thường thả diều sáo tự do, trừ những ngày mưa to, gió lớn, còn lại diều được thả xuyên ngày đêm với số lượng nhiều, kích cỡ diều cũng rất lớn. Nhiều chiếc diều có sải cánh từ 3-5m, thân diều rộng từ 1m trở lên; trên những con diều này được lắp ống kim loại được chế tác rất cầu kỳ, công phu, thậm chí có cả một cột sáo hình tháp ghép 3-5 ống sáo. Các “tay đua diều” còn lắp thiết bị điều chỉnh tiếng sáo diều thành nhiều loại âm thanh như tiếng chó kêu, hổ gầm, trẻ con khóc, còi báo động… Vì thế khi họ thả nhiều chiếc với những âm thanh lớn xuyên ngày đêm đã trở thành “nỗi ám ảnh” của người dân. Ông Hoàng Văn Điệp đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Diều Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho biết: Là những người làm công tác bảo tồn diều truyền thống, chúng tôi vô cùng bức xúc với kiểu chơi sáo diều thiếu ý thức này gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu không có biện pháp cứng rắn ngăn chặn kịp thời thì cách chơi diều này ảnh hưởng làm hỏng một hoạt động văn hóa cộng đồng tốt đẹp từ ngàn đời của người Việt. Trước thực trạng này, Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Diều Việt Nam đã ban hành và đẩy mạnh tuyên truyền tất cả các tổ chức thành viên 5 quy tắc thả diều an toàn như: không chơi diều gần hoặc trên đường giao thông, nơi đông người; không chơi diều có tiếng sáo vào buổi đêm; không chơi gần cột điện và đường dây điện; không chơi trong cơn giông, sấm chớp; không chơi gần khu vực sân bay còn hoạt động. Bộ quy tắc được in bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, hội viên trực tiếp đến các địa điểm công cộng thường xuyên có người thả diều phát và tuyên truyền để người chơi diều tự do hiểu ý nghĩa, giá trị của di sản diều sáo truyền thống và tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn. Thời gian tới, Trung tâm cũng xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động đưa diều sáo vào chương trình học trải nghiệm ngoại khóa cho trẻ em tại các nhà trường; qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống và kỹ năng chơi diều an toàn ngay từ nhỏ.

Chơi diều sáo là thú chơi tao nhã, giúp những người chơi có thêm sức khỏe, sự khéo léo, chính xác. Chơi diều sáo lành mạnh là hoạt động văn hóa thể thao tích cực, giúp thư giãn. Song việc thả diều nếu không cẩn trọng tuân thủ các quy tắc an toàn chung sẽ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, thậm chí gây thiệt hại lớn về kinh tế như việc diều vướng vào đường điện gây chập cháy, mất điện diện rộng, tai nạn giao thông… Người chơi diều không nên thả diều quá khuya, đặc biệt là thả qua đêm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Hơn nữa theo quy định của Nhà nước thì tình trạng âm thanh sáo diều vượt ngưỡng gây khó chịu cho người và động vật là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn). Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình thả diều sáo gây tiếng ồn lớn tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau./.

Nguyễn Hương