Đơn vị:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Linh lan

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, tình trạng xâm phạm chỗ ở của công dân xảy ra khá phổ biến trong xã hội, liên quan đến vấn đề đòi nợ, cưỡng chế nhà ở trái pháp luật, tranh chấp về chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu nhà ở,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng đến một trong những quyền bất khả xâm phạm của công dân được pháp luật bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Điều này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân người xâm phạm, bị hại đều chưa hiểu hết các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở của người khác được pháp luật quy định, do vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, trong đó có tội xâm phạm chỗ ở của người khác có ý nghĩa quan trọng, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng tranh chấp về nhà ở, đất đại như hiện nay.

1. Quy định của pháp luật Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền dân sự - chính trị cơ bản của con người và được các quốc gia thành viên chuyển hóa, nội luật hóa, ghi nhận trong pháp luật mỗi quốc gia. Ở nước ta, vấn đề này đã được quy định từ Hiến pháp đến Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Dân sự (BLDS) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC)… Điều 22 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như sau: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân như sau: “Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân”. Khoản 1 Điều 192 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân”. BLDS năm 2015 quy định: “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống. 3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới” (Điều 40); “1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. 2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 41); “1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. 2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 42); “1. Nơi cư trú của vợ chồng là nơi vợ chồng thường xuyên chung sống. 2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận” (Điều 43); “1. Nơi cư trú của quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân. 2. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này” (Điều 44); “Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này” (Điều 45). Khoản 9 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”. Chỗ ở hợp pháp của công dân còn gắn liền với quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Trong trường hợp công dân là người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định, những địa phương có thể bị cấm cư trú là: (1) Những thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung; (2) Những khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo; (3) Những khu vực có cơ sở quốc phòng quan trọng; (4) Những khu vực có các đầu mối giao thông quan trọng. Những địa phương được nêu trên bị cấm cư trú bởi lẽ, người bị kết án sẽ có khả năng sử dụng những điều kiện vốn có của địa phương để tiếp tục phạm tội. Luật Cư trú năm 2020 xác định: “1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. 2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này (Điều 11); “1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định. 2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 12); 1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. 2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 13); “1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống. 2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan” (Điều 14) v.v… Như vậy, chỗ ở của một người là nơi người đó sống đời sống riêng thường ngày, cũng là nơi cất giữ những bí mật đời tư bao gồm bí mật của cá nhân và gia đình người đó. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định của mỗi công dân, không ai được tùy tiện vào nơi ở của họ. Việc xâm phạm chỗ ở của công dân khi không được sự đồng ý của họ là hành vi trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

2. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự

Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Chương XV các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Điều 158 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác

a. Chủ thể Chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật tại Điều 12, Điều 13 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác, thì chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu TNHS. Bởi vì, theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội phạm được liệt kê một cách cụ thể và tội xâm phạm chỗ ở của người khác không được liệt kê trong các tội phạm này. Nói chung, chủ thể của tội phạm này là bất kỳ ai, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như bộ đội biên phòng; cán bộ kiểm lâm; cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội), thì thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân, lợi dụng công vụ mà xâm phạm chỗ ở của người khác nhau.

b. Khách thể Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa bởi những quy định của pháp luật. Ngoài việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, thì tội phạm còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật về việc khám xét chỗ ở, địa điểm và xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của cá nhân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tàu thuyền đó như là nhà ở của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều… Nếu nhà ở, căn hộ do Nhà nước quản lý nhưng chưa có người ở mà người phạm tội có hành vi xâm phạm (phá khóa vào chiếm nhà) thì không phải là xâm phạm chỗ ở của người khác mà tùy trường hợp cụ thể mà hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu TNHS về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở tại Điều 343 BLHS năm 2015. Nếu chủ nhà đã ở trong căn nhà đó nhưng vì điều kiện phải đi công tác, đi du lịch, học tập lâu ngày, phải khóa cửa, không ở thường xuyên mà người khác xâm phạm thì cũng là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. Nhưng nếu đó là nhà của công dân đã hoặc đang hoàn tất, người phạm tội đến chiếm thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa được tổng kết trong thực tiễn xét xử nên còn có những quan điểm khác nhau. Công dân Việt Nam xâm phạm chỗ ở của người nước ngoài cũng bị coi là xâm chỗ ở của người khác, vì theo quy định tại Điều 48 Hiến pháp năm 2013 thì: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.

c. Mặt chủ quan Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện do cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp) hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp). Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được một phân chỗ ở của người khác v.v… Khi xác định lỗi cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội cần chú ý một số vấn đề sau: - Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là của những người thực hiện công vụ (Điều tra viên, Chấp hành viên, Cảnh sát, cán bộ quản lý thị trường, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng…) nếu vì động cơ đấu tranh phòng, chống tội phạm và do yếu kém nghiệp vụ hoặc vì thiếu trách nhiệm để cấp dưới của mình khám xét trái phép chỗ ở của người khác thì không bị coi là cố ý phạm tội, mà tùy trường hợp hành vi của những người này có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015. - Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng không phải là những người thực hiện công vụ thì không cần phải xác định động cơ, mục đích của người phạm tội, vì họ không phải là người thi hành công vụ nên việc xâm phạm chỗ ở của người khác chỉ là do cố ý, không thể có trường hợp do nghiệp vụ non kém hay do thiếu trách nhiệm mà xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác được.

d. Mặt khách quan - Về hành vi phạm tội Chỗ ở của công dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là nhà riêng, nhà tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…), nhưng cũng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn); có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một tòa nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn hoặc ở nhờ. Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được mô tả cụ thể tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015, gồm các hành vi sau: + Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi của người không có thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng vì động cơ riêng tư đã tự ý vào lục soát, khám xét, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật hoặc hành vi của người có thẩm quyền, nhiệm vụ khám chỗ ở nhưng không chấp hành đúng những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục… Hoạt động khám xét nơi ở của người khác chỉ đúng pháp luật khi tuân thủ quy định tại Điều 192 BLTTHS năm 2015 (căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử); Điều 193 BLTTHS năm 2015 (thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 195 BLTTHS năm 2015 (khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện).. Mọi hành vi khám xét không tuân thủ các quy định trên đều là những hành vi khám xét trái phép. Ví dụ: H nợ tiền của bà B và bỏ trốn. Ngày 20/8, bà B nhận được tin H đang trốn ở nhà chị N. Bà B cùng với con trai là T và C đến nhà chị N để tìm H. Tuy nhiên, khi đến nơi thì chị N đã khóa cửa ngoài. Mẹ con bà B liền lấy xà beng, búa đinh phá cửa, xông vào trong nhà lục lọi để tìm kiếm H nhưng không thấy. + Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ một cách miễn cưỡng, trái với ý muốn của họ, ngoại trừ những trường hợp thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi… theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ như cưỡng chế để thi hành một quyết định hợp pháp về nhà ở; cưỡng chế để thi hành bản án dân sự chia tài sản thừa kế hoặc quyết định niêm phong của ngân hàng để yêu cầu thanh toán nợ…), nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu việc thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi… không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng có thể bị truy cứu TNHS về tội danh này. Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong quan hệ thuê nhà, mượn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra. Ví dụ 1: Ông H và bà C tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà số 53 phố M và khởi kiện ra Tòa án. Theo bản án của Tòa án thì quyền sở hữu căn nhà trên thuộc về bà C. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà C không làm đem đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự thi hành bản án mà thuê L và S cùng một số thanh niên cầm côn, gậy xông vào đe dọa, đánh ông H buộc gia đình ông phải chuyển đồ đạc ra khỏi nhà. Ví dụ 2: B và N là cán bộ Tòa án và cán bộ Viện kiểm sát, mặc dù chưa có quyết định trong việc cưỡng chế thi hành bản án dân sự của Tòa án về việc chia tài sản thừa kế cho chủ sở hữu hợp pháp là bà H, nhưng đã cùng nhau đến ngôi nhà số 05 phường N đuổi ông D là người đang ở ra ngoài. + Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: Hành vi này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở, tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở vào chỗ đang ở… Ví dụ: A và B có tranh chấp ngôi nhà số 10 đường hiện đang do B quản lý hợp pháp. Ngày 15/5 lợi dụng lúc gia đình B về quê ăn giỗ chỉ còn vợ B là H ở nhà, A sang nói với H là B gặp tai nạn để lừa H ra khỏi nhà, sau đó A mang đồ đạc sang chiếm giữ. + Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Đây là trường hợp không dọn đồ đạc của chủ nhà ra, mà trong lúc chủ nhà đi vắng đã phá khóa, dọn đồ đạc của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm vào nơi ở của chủ nhà nhằm mục đích tranh giành một phần diện tích nhà ở. Ví dụ: Căn hộ số 55 thuộc khu tập thể K có diện tích 25m được cơ quan X giao cho anh L ở và quản lý. Khi L lấy vợ, T là trưởng phòng tài vụ cơ quan lấy lý do L lấy vợ nhằm chiếm nhà của cơ quan nên thu hồi và phân cho người khác. Lợi dụng lúc anh L không có nhà, T đã phá khóa và chuyển toàn bộ đồ đạc của em trai đến căn hộ số 55. - Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là làm cho người đó và các thành viên trong gia đình bị mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường hàng ngày hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, mà xâm phạm đến các quyền khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu TNHS về các tội tương ứng. Ví dụ: Trong khi dùng vũ lực đuổi B ra khỏi chỗ ở, A đã gây thương tích cho B với tỷ lệ thương tật là 31%, thì A còn bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015. Hậu quả của hành vi xâm hại là tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Đây là hậu quả phi vật chất, bởi vậy điều luật này có cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở theo mô tả của cấu thành tội phạm là đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm chứ không xét hậu quả từ hành vi xâm phạm đó trên thực tế. - Về hình phạt Mức hình phạt của tội xâm phạm chỗ ở của người khác được chia thành hai khung cơ bản: + Khung 1 (khoản 1): có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Thuộc loại tội ít nghiêm trọng. + Khung 2 (khoản 2); có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, thuộc loại tội nghiêm trọng, bao gồm các trường hợp sau: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số vướng mắc, bất cập khi giải quyết các trường hợp có liên quan đến tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Thứ nhất, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được điều luật liệt kê bốn nhóm hành vi, người nào thực hiện một trong bốn nhóm hành vi nói trên được coi là phạm tội. Tuy nhiên, điều luật chỉ có quy định là “chỗ ở của người khác” chứ không có quy định là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp. Vậy “chỗ ở” bất hợp pháp như gầm cầu, vỉa hè, công viên… mà nạn nhân chiếm dụng thì khi có vi phạm xảy ra người vi phạm có phạm tội không? Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”. Khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật”. Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình cần tiền kinh doanh đã vay vốn ngân hàng nên thế chấp quyền sở hữu nhà và mất khả năng thanh toán, sau đó ngân hàng khởi kiện lên Tòa án để giải quyết, do bị đơn không trả được nợ dẫn đến việc cơ quan Thi hành án dân sự đã cưỡng chế thu hồi tài sản là ngôi nhà và bán đấu giá giao lại cho người mua. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế thu hồi nhà ở và bàn giao cho người mua, trong khi bên mua chưa đến ở, chưa đăng ký tạm trú thì bị đơn cùng gia đình lại đến phá khóa vào ở. Trường hợp này vẫn tồn tại hai quan điểm giải quyết: Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi trên đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015, bởi vì người mua là người trúng đấu giá nên là chủ sở hữu hợp pháp, việc bên bị phát mại đến sinh sống tại ngôi nhà đó là hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi trên có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản, bởi vì bên mua chưa đến ở, chưa đăng ký tạm trú nên chưa được coi là chỗ ở hợp pháp, bên mua đang ở chỗ khác và có thể mua nhằm mục đích để ở hoặc kinh doanh bất động sản. Vấn đề này theo chúng tôi, mặc dù luật không có quy định là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp, song từ quy định của Hiến pháp năm 2013: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Từ căn cứ pháp lý nêu trên, theo quan điểm của chúng tôi chỗ ở của công dân là nơi cư trú, sinh sống, nơi đó có thể là hợp pháp, ví dụ như nhà ở đã được cấp quyền sở hữu nhà nhưng cũng có thể là bất hợp pháp như ở gầm cầu, vỉa hè, công viên… Nếu chỗ ở của công dân là bất hợp pháp, khi muốn tác động di dời chỗ ở của họ thì chủ thể di dời phải tuân theo các quy định của pháp luật, nếu tự ý xâm phạm chỗ ở của họ là có dấu hiệu của tội này. Nếu do trình độ non kém hoặc thiếu trách nhiệm mà có hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân một cách bất hợp pháp thì không bị truy cứu TNHS về tội này mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc về một tội khác. Thứ hai, trên thực tế có nhiều trường hợp “chủ nhà thật” muốn đòi lại nhà những người không còn là chủ nhà theo quy định của pháp luật hiện vẫn đang chiếm giữ ngôi nhà, thì căn cứ pháp luật để bảo vệ họ còn yếu và thiếu, nhất là đối với những trường hợp bên không còn quyền đối với ngôi nhà tiếp tục chiếm giữ trái pháp luật. Để “chủ nhà thật” có thể sử dụng được ngôi nhà thì bắt buộc phải tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh tốn rất nhiều thời gian, công sức, trong khi đó, đối tượng không phải “chủ nhà thật” thì lại đang chiếm giữ, sử dụng ngôi nhà, điều này gây thiệt hại cho “chủ nhà thật”. Do vậy, trên thực tế khi lâm vào tình trạng này có nhiều trường hợp “chủ nhà thật” đã thuê “xã hội đen” đòi lại nhà gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và bản thân họ cũng vướng vào “vòng lao lý”. Thứ ba, hiện nay có nhiều trường hợp một người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc có thủ đoạn gian dối… nhằm chiếm đoạt chỗ ở của người khác như đuổi, đánh chủ sở hữu 01 ngôi nhà đang hoàn thiện, sau đó vào ở, hiện có nhiều quan điểm giải quyết trong trường hợp này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi trên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác vì người phạm tội đã có hành vi xâm nhập chỗ ở mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, mặc dù ngôi nhà đang hoàn thiện nhưng tài sản trên là tài sản đã có chủ và đang có người quản lý. Quan điểm thứ hai cho rằng, đối với trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt chỗ ở như chiếm đoạt 01 ngôi nhà đang hoàn thiện của người khác thì hành vi đó phải cấu thành tội cướp tài sản chứ không phải tội xâm phạm chỗ ở của người khác, bởi vì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực là dấu hiệu đặc trưng của tội cướp tài sản. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này là kể từ khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác bị ảnh hưởng, không kể mức độ gây thiệt hại nhiều hay ít. Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng, trong trường hợp này cần xem xét đến tội chiếm giữ trái phép tài sản, bởi vì người phạm tội đã có hành vi biến tài sản tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái pháp luật dưới hình thức không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản khi họ yêu cầu, mặt khác trường hợp này người phạm tội không phạm tội cướp tài sản, bởi vì quyền sở hữu của ngôi nhà thì không thể là đối tượng của tội cướp tài sản được. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có tổng kết kinh nghiệm thực tiễn giải quyết cũng như còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất. Thứ tư, hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS năm 2015 mà chỉ có hướng dẫn trước đây tại Tiểu mục 5.1 Mục 5 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 245 của BLHS năm 1999, điều này dẫn tới cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn. Theo tác giả, khi đánh giá tính chất, mức độ của hành vi để xác định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” phải xem xét nguyên nhân tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội đó có xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội; sự mất ổn định trong đời sống của người dân; có gây tâm lý hoang mang, lo sợ, phẫn nộ trong một phạm vi khu dân cư, vụ việc diễn ra có thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng như thế nào, có gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương hay không… để có căn cứ xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, đây cũng là tình tiết định khung tăng nặng được quy định ở nhiều tội khác trong BLHS năm 2015 như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 172); tội trộm cắp tài sản (điểm c khoản 1 Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 174); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điểm c khoản 1 Điều 178)… và tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội như: tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (điểm đ khoản 2 Điều 163); tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (điểm đ khoản 2 Điều 164); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (điểm c khoản 2 Điều 167); tội cướp tài sản (điểm g khoản 2 Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điểm h khoản 2 Điều 169); tội cưỡng đoạt tài sản (điểm đ khoản 2 Điều 170); tội cướp giật tài sản (điểm h khoản 2 Điều 171); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm e khoản 2 Điều 175); tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (điểm a khoản 2 Điều 319); tội hành nghề mê tín dị đoan (điểm c khoản 2 Điều 320)… Thứ năm, nội dung tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015 chưa quy định rõ một người khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác “trong thời gian bao lâu” thì mới bị coi là phạm tội, từ đó dẫn đến quan điểm khác nhau trong các vụ án. Trên thực tế còn có trường hợp con ở chung nhà với cha, mẹ, sau đó đuổi cha, mẹ ra khỏi chỗ ở thì có bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của người khác? Ví dụ: Trong lúc đang đi tìm túi đồ bị thất lạc, do nghi ngờ có người cất giấu vào nhà anh T, D đã rủ E và H đuổi anh T ra khỏi chỗ ở trong thời gian 05 phút để tìm đồ bị thất lạc. Chúng tôi cho rằng, để tôn trọng và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nên quy định rõ “không phân biệt thời gian bao lâu” là căn cứ pháp lý để tất cả các trường hợp có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác đều phải bị xử lý nghiêm minh. Còn đối với trường hợp con ở chung với cha, mẹ, sau đó có hành vi đuổi cha, mẹ ra khỏi chỗ ở, thì hành vi này cần bị xử lý về tội ngược đãi cha, mẹ quy định tại Điều 185 BLHS năm 2015.

4. Đề xuất, kiến nghị và một số giải pháp4.1. Đề xuất, kiến nghị Từ những vướng mắc, bất cập trên, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích một cách đúng đắn, kịp thời cho người dân, cụ thể là: Cần quy định rõ ràng về “chỗ ở” để đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan; hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác trong “thời gian bao lâu” thì cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Trường hợp đã xác minh được chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu bị chiếm giữ nhà trái phép, thì cơ quan chức năng sau khi xác minh, cần phải có quyết định nhanh chóng sớm bàn giao tài sản cho chủ sở hữu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 4.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác Bên cạnh giải pháp hoàn thiện các quy định của BLHS năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, trên phương diện thực tiễn cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định đó, cụ thể: Một là, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Hai là, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật người có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác, không để trở thành điểm nóng về chính trị. Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân trong phát hiện, xử lý, giáo dục người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Bốn là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tích cực phối hợp, quản lý chặt chẽ về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhân khẩu, đất đai, đặc biệt là tại địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự và có mâu thuẫn, tranh chấp về chỗ ở, nhà ở. Năm là, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính và trong công tác quản lý nhà nước về cư trú. Theo đó, tiến tới thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng số, giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, áp dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, đi chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia và chạy trên mạng Internet, qua đó giúp người dân giảm thiểu được các thủ tục về hành chính và thuận lợi hơn khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế thiết thực hỗ trợ người dân về chỗ ở để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân mà Hiến pháp đã quy định. Về phía người dân cần tích cực học tập, tìm hiểu các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nơi cư trú; thận trọng trong việc cho thuê, cho mượn nhà, cần kiểm tra đầy đủ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của mình, giấy tờ bàn giao có công chứng, thường xuyên cập nhật các quy định mới của pháp luật… Chỗ ở của công dân được Nhà nước và mọi người cùng tôn trọng, không ai được tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ, tuy nhiên đây không phải là quyền tuyệt đối. Nhà nước chỉ bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác đối với chỗ ở của công dân; còn khi công dân lợi dụng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để che giấu hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật thì quyền này không còn được pháp luật bảo vệ. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội xâm phạm chỗ ở của người khác có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong thực tiễn xã hội và đấu tranh phòng ngừa tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật.

—-***—— Trích từ nguồn: Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN Số 5 (kỳ I tháng 3/2023) Từ trang 21 đến trang 30 Do Hồ Nguyễn Quân biên soạn