Vùng cổ là bộ phận kết nối đầu và phần thân dưới của cơ thể. Cổ tập trung nhiều nhóm cơ, dây chằng, mạch máu và là nơi chứa các cơ quan quan trọng như tuyến giáp, thanh quản, khí quản… Tại sao nên tìm hiểu giải phẫu vùng cổ? Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp là gì?
Cổ là gì?
Cổ là thuật ngữ dùng để chỉ bộ phận kết nối đầu với thân dưới. Đây là một cấu trúc phức tạp gồm nhiều xương, cơ, dây thần kinh, mạch máu, hệ thống bạch huyết và các mô kết nối khác.
Cơ quan này cũng đóng vai trò là đường truyền thông tin để não liên lạc với phần còn lại của cơ thể, bao gồm: thông tin vận động, cảm giác, chất dinh dưỡng từ cơ thể đến đầu và ngược lại. Tổn thương ở cổ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. (1)
Cấu tạo và giải phẫu vùng cổ
1. Giới hạn vùng cổ
Phần giới hạn trên của cổ là vòm miệng cứng. Phía dưới, cổ được giới hạn bởi xương ức và xương đòn ngực. Cả 2 khoang trước và sau được phân chia bởi cơ ức đòn chũm (SCM). Trong đó, khoang trước được giới hạn bởi xương hàm ở phía trên, cơ SCM phía sau và đường giữa phía trước. Xương móng chia khoang trước của cổ thành khoang trên móng và khoang dưới móng. (2)
2. Tam giác cổ
Cổ được chia thành 2 tam giác: tam giác cổ trước và cổ sau. Tam giác trước được bao quanh phía dưới bởi rãnh xương ức và xương đòn, bên ngoài là cơ ức đòn chũm, ở giữa gồm khí quản, tuyến giáp và sụn nhẫn. Tam giác sau được giới hạn bởi cơ thang phía sau, cơ ức đòn chũm phía trước và phía dưới là xương đòn. (3)
Tam giác trước được chia thành 4 phần nhỏ hơn gồm: tam giác dưới cằm, tam giác dưới hàm, động mạch cảnh và tam giác cơ bắp.
- Tam giác dưới cằm (tam giác trên móng): trong tam giác này chứa cơ hàm móng như sàn của tam giác, phía dưới có giới hạn là xương móng. Phía trong, giới hạn của tam giác là đường giữa của cổ. Giới hạn phía sau là bụng trước của cơ nhị thân.
- Tam giác dưới hàm được giới hạn bởi xương hàm ở phía trên. Các phần còn lại gồm bụng trước và bụng sau của cơ nhị thân.
- Tam giác động mạch cảnh được giới hạn bởi cơ ức đòn chũm phía sau, cơ hàm móng phía trước và phía trên là cơ trâm móng và bụng sau cơ nhị thân. Cơ giáp móng, cơ lưỡi móng, cơ co thắt hầu giữa và cơ co thắt họng dưới tạo sàn thành tam giác động mạch cảnh.
- Tam giác cơ hay là tam giác động mạch cảnh dưới được giới hạn bởi đường giữa của cổ ở phía trong, phía trên là bụng trên cơ vai móng và cơ ức đòn chũm phía sau.
3. Cơ cổ
Cơ vùng cổ là hệ thống cơ xương khá phức tạp gồm: xương và mô mềm, được liên kết với nhau ở đáy hộp sọ.
Những sợi cơ liên kết với nhau tạo thành bó cơ. Nhiều bó cơ tạo thành cơ bắp. Các sợi cơ liên kết với nhau giúp những cử động linh hoạt và dễ dàng. Những hoạt động như nuốt, nhai, xoay đầu đều do cơ vùng cổ điều khiển.
Cơ xương gồm 20 cơ cổ. Bộ phận này gắn với xương nhờ các sợi gân. Các cơ ở vùng này được gọi là cơ tự nguyện.
Cơ vùng cổ được phân thành 3 nhóm chính: cơ sau, cơ trước, cơ ở bên.
3.1 Cơ vùng cổ trước
Cơ vùng cổ trước gồm:
- Platysma: lớp mỏng bao phủ 1 phần vai và phía trên ngực, kéo dài đến xương hàm. Bộ phận này có nhiệm vụ hỗ trợ những cử động của hàm, miệng, đồng thời giúp căng da ở dưới mặt và vùng cổ.
- Cơ ức đòn chũm: một trong những cơ lớn nhất, với nhiệm vụ hỗ trợ cử động và hoạt động vùng cổ, mở rộng góc nhìn, kiểm soát khớp thái dương hàm. Điểm bắt đầu của cơ ức đòn chũm nằm ở sau tai và kéo dài tới xương đòn.
- Cơ dưới đòn: cơ giúp ổn định xương đòn khi cử động vai, cánh tay
- Trên móng: hỗ trợ hoạt động nói, nuốt. Cơ trên móng còn có tên gọi khác là cơ di chuyển.
- Cơ ức đòn chũm: gồm 4 cơ nằm ở dưới xương lồi, hỗ trợ thanh quản di chuyển lên xuống dễ dàng.
- Cơ bậc thang (Scalenus): gồm 3 cơ, hỗ trợ hoạt động hít thở, trao đổi không khí. Ngoài ra, cơ bậc thang còn hỗ trợ các cử động ở vùng đầu và ổn định các đốt sống cổ.
3.2 Cơ vùng cổ sau
Cơ vùng cổ sau gồm:
- Cơ gai sống đầu: các khối cơ có hình dạng tương tự dây đai, nằm phía sau cổ, giúp cử động cổ dễ dàng, xoay đầu hoặc thay đổi tầm nhìn theo hướng mong muốn.
- Cơ chẩm: gồm 4 bó cơ nằm ở đáy hộp sọ, với chức năng hỗ trợ đầu xoay theo hướng như mong muốn.
- Cơ Transversospinalis: cơ giúp đầu cử động cúi xuống, ngửa lên hoặc xoay 2 bên phải trái. Bên cạnh đó, cơ cũng giúp cố định tư thế cột sống.
3.3 Cơ vùng cổ bên
Cơ vùng cổ bên nằm ở đáy hộp sọ, gồm: cơ thẳng đầu ngoài và cơ thẳng đầu trước, với nhiệm vụ kiểm soát mọi chuyển động của cổ.
4. Thanh quản
Thanh quản là một phần của hệ hô hấp, nằm dưới đường hầu họng. Thanh quản khi tách ra gồm khí quản và thực quản. Về mặt giải phẫu, với người trưởng thành, thanh quản nằm ở đốt sống C2-C6. Riêng trẻ em, thanh quản nằm ở đốt sống C2-C3.
Thanh quản có hình dạng tương tự hình tháp, gồm 3 mặt, dài khoảng 44mm ở nam và 36mm ở nữ. Kích thước đường kính ngang từ 41-43mm và đường kính trước sau 26-36mm. Cấu tạo của thanh quản gồm các sụn được nối với nhau bằng dây chằng, khớp cơ và màng.
Thanh quản chuyển động bên dưới da vùng cổ trước khi thực hiện động tác nuốt, cúi xuống hoặc ngẩng đầu lên. Thanh quản phát triển cùng lúc với cơ quan sinh dục gây nên hiện tượng vỡ giọng ở tuổi dậy thì.
5. Tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nhỏ hình cánh cung, nằm phía trước cổ, trên khí quản, dưới thanh quản, với 2 thùy quấn quanh khí quản và nối với nhau bằng eo tuyến giáp Tuyến giáp có trọng lượng từ 10-20 gram, với nhiệm vụ tạo các hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tuyến giáp sản xuất quá ít hoặc quá nhiều hormone đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Xương móng
Xương móng có hình dạng tương đối giống với móng ngựa, nằm ở đường giữa mặt trước cổ, giữa sụn tuyến giáp và cằm. Xương móng liên kết với những đoạn xương khác trong cơ thể nhờ các cơ và dây chằng. (4)
Các cơ được gắn trên xương móng giúp bộ phận này di chuyển lên xuống và tiến lùi linh hoạt. Xương móng là bộ phận giúp cơ ở miệng, lưỡi, yết hầu, thanh quản và nắp thanh quản liên kết chặt chẽ, tạo nên giọng nói cho mỗi người.
Chức năng của cổ
Cổ là cầu nối giữa đầu và phần còn lại của cơ thể. Cơ quan này chứa thực quản, khí quản, tuyến giáp và các tuyến nội tiết ở cổ. Cổ có chức năng cung cấp các đường ống để máu lưu thông và truyền tín hiệu thần kinh từ não đến phần còn lại của cơ thể, đồng thời hỗ trợ đầu di chuyển theo chiều phù hợp.
Một số bệnh lý thường gặp ở vùng cổ
1. Các khối u, hạch ở cổ
Khối u và hạch ở cổ khá phổ biến và có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như: thanh quản, khí quản, tuyến giáp… Tùy vị trí hình thành khối u, người bệnh sẽ có các triệu chức khác nhau, chẳng hạn như thay đổi giọng nói, đau khi nhai hoặc nuốt thức ăn, thính lực giảm… (5)
Khối u ở cổ có thể lành hoặc ác tính. Do đó, ngay khi có những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm, ngăn u phát triển lớn.
2. Chấn thương cơ vùng cổ
Những chấn thương cơ vùng cổ thường gặp gồm: (6)
- Chấn thương vùng cổ: tình trạng này khá phổ biến gồm co thắt cơ hay chuột rút vùng cổ. Cơn co thắt xuất hiện khoảng vài giây đến vài phút, gây đau và khó khăn khi cử động.
- Căng thẳng cơ vùng cổ: đây là chấn thương thường gặp. Tình trạng này do cơ và bó sợi vùng cổ bị rách hoặc đột ngột cử động cổ quá mạnh.
3. Các bệnh lý cột sống cổ
Các bệnh về đốt sống cổ thường gặp như: thoát vị đốt sống cổ, thoái hóa, gai đốt sống… Những tình trạng này nên được theo dõi và điều trị sớm để ngăn các biến chứng không mong muốn.
4. Các vấn đề về vòm họng và thanh quản
Vòm họng là nơi tiếp xúc thường xuyên với những yếu tố bên ngoài như không khí, thức ăn. Do vậy, bộ phận này dễ bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Một số bệnh về vòm họng phổ biến như: viêm amidan, viêm họng và ung thư vòm họng…
5. Quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, biểu hiện đặc trưng gồm đau và sưng tuyến nước bọt. Bên cạnh đó, bệnh còn gây viêm tuyến sinh dục, viêm tụy, thậm chí viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời.
Người mắc bệnh quai bị có nguy cơ lây nhiễm cao từ 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hoặc 6 ngày sau khi triệu chứng biến mất.
6. Bướu cổ
Bướu cổ là bệnh tuyến giáp phổ biến, thường gặp ở phụ nữ và đa phần lành tính. Người bệnh có những biểu hiện như: sưng, kích thước tuyến giáp tăng bất thường.
Bệnh do nhiều nguyên nhân, chủ yếu thiếu i-ốt trong chế độ ăn. Điều trị bướu cổ tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Bướu nhỏ không gây nguy hiểm có thể không cần điều trị.
Triệu chứng giúp nhận biết bất thường ở cổ
Các triệu chứng bất thường ở cổ khá giống với những tình trạng bệnh khác. Vì vậy, ngay khi có biểu hiện khác thường ở cổ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm. Một số dấu hiệu nhận biết bất thường ở cổ bạn cần lưu ý như:
1. Xuất hiện khối u
Khối u ở cổ khá phổ biến, được gây ra bởi nhiều nguyên nhân như nổi hạch bạch huyết, ống dẫn tuyến nước bọt tắc nghẽn, hormone tuyến giáp hoạt động quá mức…
Khối u có thể xuất phát từ:
- Da và các lớp mô, mỡ và cơ bên dưới.
- Tuyến giáp.
- Tuyến nước bọt, tuyến dưới hàm, tuyến mang tai và tuyến dưới lưỡi.
- Các mạch máu ở cổ.
- Các hạch bạch huyết ở cổ.
Đa phần khối u lành tính, tuy nhiên bạn không nên chủ quan. Đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay khi xuất hiện khối u và kèm theo những triệu chứng sau:
- U màu đỏ hoặc mềm.
- U rất cứng, đặc hoặc lởm chởm, phát triển lớn trong thời gian ngắn.
- Cân nặng giảm nhanh chóng.
- Thay đổi giọng nói (giọng khàn) trong hơn 3 tuần.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Khó nuốt.
- Cảm thấy khó thở.
- Ho ra máu.
- Cảm giác mệt mỏi dai dẳng.
- Cơ thể xuất hiện các vết bầm tím mà không rõ nguyên nhân.
2. Da cổ sạm đen
Da cổ sạm đen có thể do tế bào ung thư phát triển gây rối loạn nội tiết tố, tạo điều kiện hình thành hắc tố melanin. Melanin là sắc tố đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến màu da, tóc, mắt.
Khi mắc ung thư, các sắc tố da thay đổi rõ rệt làm vùng da ở nách, cổ, bẹn trở nên tối màu, khô ráp, dày sừng. Không riêng ung thư, tình trạng này cũng là một trong những biểu hiện kháng insulin ở người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.
3. Mọc mụn bất thường
Da ở vùng cổ thường láng mịn, không có mụn mủ hoặc mụn bọc. Vì vậy, nếu phát hiện vùng cổ nổi nhiều mụn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đang phát triển.
Phụ nữ đang mang thai, trong kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh là đối tượng dễ bị mụn ở cổ. Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây mụn có thể kể đến gồm: căng thẳng; chế độ ăn uống, sinh hoạt; di truyền và tác dụng phụ của thuốc.
Chăm sóc sức khỏe vùng cổ như thế nào?
Để chăm sóc sức khỏe và hạn chế những bệnh liên quan đến vùng cổ, bạn nên:
- Ngồi đúng tư thế: giữ vai và lưng thẳng khi ngồi để cổ không mỏi. Đặt thiết bị điện tử ở vị trí phù hợp nhằm hạn chế động tác cúi cổ.
- Tư thế ngủ đúng: nếu nằm nghiêng hoặc nằm sấp khi ngủ, bạn nên dùng gối để kê đầu, sao cho đầu và cổ thẳng với phần còn lại của cơ thể. Tránh nằm sấp khi ngủ và nghiêng đầu sang 1 bên.
- Tập những bài tập để giảm đau và hạn chế căng thẳng.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong thăm khám, tư vấn, điều trị và chăm sóc toàn diện các bệnh lành tính đầu mặt cổ; các bệnh ung thư vùng đầu cổ (ung thư vòm hầu, ung thư vùng hốc mũi, ung thư vùng hốc miệng…); bệnh lành tính và ác tính của tuyến giáp, tuyến nước bọt. Với trang thiết bị hiện đại, cùng phác đồ điều trị được cập nhật liên tục, Đơn vị Đầu mặt cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, toàn diện, giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cổ là bộ phận kết nối đầu và phần thân dưới của cơ thể, có cấu trúc phức tạp, tập trung nhiều bó cơ và dây thần kinh quan trọng. Hy vọng bài viết sẽ giúp mọi người hiểu rõ về giải phẫu vùng cổ, cấu tạo, chức năng, từ đó biết cách chăm sóc và ngừa các bệnh liên quan.