Khi người thân mất, gia đình người đã khuất tiến hành việc tổ chức tang lễ, thực hiện bổn phận của người còn sống dành cho người đã mất trong một thời gian nhất định, được gọi là để tang. Sau thời gian để tang, được gọi là xả tang hay mãn tang, lúc này mới được cho là hoàn tất nhiệm vụ của người còn sống, dành cho người thân đã khuất. Việc để tang và xả tang, không phải tục lệ trong Phật Giáo hoặc phong thủy mà xuất phát từ Trung Quốc. Vì tục lệ này phù hợp với văn hóa yêu thương, hiếu nghĩa của người Việt, nên vẫn lưu truyền và áp dụng cho đến tận bây giờ.
Theo phong tục, thời gian để tang tùy thuộc vào mối quan hệ của người còn sống và người đã mất. Thông thường sẽ chia thành hai hình thức chính:
+ Đại Tang là thời gian để tang với những người có mối quan hệ gần gũi nhất như: con cái để tang cha mẹ ruột, vợ chồng để tang cho nhau, cháu đích tôn để tang ông bà. Đại Tang có thời gian để tang thường là 3 năm, hoặc 27 tháng, tùy quan niệm mỗi nơi.
+ Tiểu Tang là thời gian để tang với những người có mối quan hệ như: cha mẹ để tang con cái, anh chị em ruột hay anh chị em họ để tang cho nhau, cháu để tang cho cô dì chú bác hoặc ngược lại, ông bà để tang cho cháu,…Tùy vào mối quan hệ gắn kết nhau như thế nào mà thời gian để tang của Tiểu Tang có thể là 1 năm, 9 tháng, 5 tháng hay 3 tháng.
Ngày nay, một số gia đình chỉ để tang 100 ngày, vì có câu: “Bách Nhật Vị Tiện Tòng Cát”, tức đám tang sau 100 ngày có thể làm mọi việc.
Trong thời gian để tang, thường có những kiêng kị như: không khai trương, cưới hỏi, mang bầu,… và đặc biệt không động thổ xây nhà. Tuy để tang chỉ là tập tục lâu đời chứ không phải điều bắt buộc trong phong thủy, nhưng nếu nhu cầu xây nhà không cấp thiết, ta vẫn nên đợi mãn tang mới bắt tay làm, vì có tang là chuyện không vui, thường sẽ tạo tâm lí xấu, đầu óc không minh mẫn, cảm xúc đang rối bời, nên dễ dẫn đến các quyết định sai lầm khi xây nhà.
Trường hợp nhu cầu xây nhà gấp, bởi các lí do như: nhu cầu ở cấp thiết, yêu cầu từ dự án, quy hoạch sắp thay đổi, giá cả nguyên vật liệu giảm sâu,…ta vẫn có thể khởi sự, nhưng phải đợi tối thiểu là 100 ngày để tang.
Đồng thời, không nên trực tiếp đứng làm nhà, cúng động thổ, mà nên mượn tuổi của người thân quen, sẽ thay ta làm các thủ tục nghi lễ. Ý nghĩa của việc làm này là ta sẽ không xây nhà, mà chỉ mua lại căn nhà sau khi đã xây dựng xong.
Khi chọn người mượn tuổi, cần lưu ý các vấn đề sau:
+ Người mượn tuổi phải có sức khỏe tốt, vui vẻ, may mắn.
+ Người mượn tuổi không nằm trong thời gian để tang.
+ Người mượn tuổi phải có tuổi đẹp tại thời điểm cúng động thổ, tuổi cần tránh những hạn cơ bản như: Tam Tai, Hoang Ốc, Kim Lâu, Thái Tuế, Cửu Diệu.
+ Người mượn tuổi không nên xung khắc với tuổi gia chủ, nếu tuổi hợp với gia chủ thì càng tốt.
+ Người mượn tuổi nên là giám sát của chủ nhà hoặc người quản lí ở công trình, bởi vận của họ đang tốt, họ thực hiện công việc gì cũng dễ thuận lợi, họ nên là người bám sát công trình, dành nhiều thời gian ở công trình, để công trình thi công suôn sẻ, an toàn.
Ngoài việc mượn tuổi, ta không quên kiểm tra hướng đất có phù hợp xây nhà trong thời gian đó hay không. Đây là yếu tố quan trọng và tiên quyết để xác định thời gian xây nhà, sau đó mới tính đến việc mượn tuổi.