Chiếc cằm, dù chắc chắn không nhận được nhiều sự chú ý như mắt hay miệng, vẫn là một trong những đặc điểm dễ nhận dạng nhất trên khuôn mặt của bạn.
Dù cằm lớn hay nhỏ, cằm chẻ hay phẳng, nó đều đóng một vai trò quan trọng quyết định hình dáng độc nhất của khuôn mặt bạn - vuông, oval, tròn, hình trái tim, hay đâu đó ở giữa.
Nhưng cằm có chức năng gì? Chúng không phục vụ bất kỳ mục đích hiển nhiên nào, như mắt và miệng. Chúng thậm chí cũng chẳng giúp ích trong việc ăn uống, như hàm và môi. Tuy nhiên, liệu cằm có vô dụng không, hay nó có một mục đích nào đó mà mới nhìn qua chúng ta không thể biết được?
Câu trả lời ngắn gọn dành cho bạn đây: không ai biết, nhưng có một số giả thuyết về chiếc cằm.
Dưới đây là những phán đoán hợp lý nhất của các nhà khoa học về mục đích của chiếc cằm.
Nói về cằm, chúng ta là loài duy nhất sở hữu đặc điểm này trong thế giới tự nhiên. Không loài động vật nào khác, kể cả những người họ hàng linh trưởng gần gũi nhất của chúng ta, có cằm cả.
Dù thói quen thích nhân hoá các loài vật của chúng ta có thể khiến những chú tinh tinh hay gorilla trông như có cằm, nhưng khi nghiên cứu kỹ cấu trúc xương của chúng, bạn sẽ thấy phần hàm dưới đơn giản là trơn tuột từ răng trở xuống, không có phần nào nhô ra để hình thành nên chiếc cằm. Kể cả người Neanderthal cũng không có cằm.
Loài người chúng ta là loài duy nhất sở hữu đặc điểm này trong thế giới tự nhiên.
Tất nhiên, có nhiều thứ khác con người có mà các loài động vật khác thiếu vắng. Tiếng nói, công nghệ, chữ viết, và nền văn minh là một vài thứ có thể kể ra. Liệu chiếc cằm theo một cách nào đó có mối liên hệ với những khác biệt kia hay không? Hãy cùng tìm hiểu các giả thuyết sau.
Một giả thuyết được đặt ra là cằm là kết quả của những lần hàm bị căng ra mỗi khi chúng ta nói. Chuyển động của các cơ lưỡi trong quá trình nói tạo ra sức ép lên xương hàm, có thể dẫn đến những vết nứt nhỏ. Xương bổ sung của hàm có lẽ là một sự thích ứng để giúp giữ không cho sức căng nói trên gây ra những vấn đề lớn hơn. Về cơ bản, theo thuyết này, hàm hoạt động như một cấu trúc hấp thụ chấn động trong quá trình nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không thực sự tán đồng với thuyết này. Bởi những loài động vật khác cũng làm những thứ tạo ra sức căng lên hàm, như phát ra âm thanh, và chúng chẳng cần cằm!
Nếu nói không phải là lý do, có lẽ cằm có liên quan gì đó đến chuyện ăn uống chăng? Giả thuyết nêu trên cũng được áp dụng trong trường hợp này: xương bổ sung của cằm có thể giúp hấp thụ chấn động chúng ta tạo ra khi nhai.
Nhưng giả thuyết này không hợp lý, cũng với lý do giống như trên. Những họ hàng linh trưởng của chúng ta, với những bộ hàm như chúng ta, không cần đến hàm để giúp chúng ăn uống, vậy tại sao chúng ta phải cần? Thêm nữa, cằm thực ra nằm ở vị trí không mấy liên quan để có thể hỗ trợ cho hàm của chúng ta trong quá tình nhai. Chúng ta sẽ cần xương bổ sung nằm ở bề mặt trong của hàm nếu nó muốn phục vụ cho mục đích đó.
Cằm đóng một vai trò đáng kể trong ngoại hình tổng thể của chúng ta, do đó có lẽ chúng có liên quan đến cách chúng ta tìm bạn tình chăng?
Tuy nhiên, những đặc điểm có chức năng hấp dẫn giới tính thường chỉ xuất hiện trên một giới (nam hoặc nữ, đực hoặc cái). Ví dụ, một con cá có thể chọn bạn tình dựa trên màu sắc của con cá ngược giới. Cá đực và cái thường có màu sắc và kích cỡ khác nhau, giúp chúng dễ dàng chọn bạn tình thuộc giới tính đối nghịch hơn. Nhưng khi một đặc điểm hiện diện trên cả hai giới, đó thường không phải là yếu tố góp phần vào việc lựa chọn bạn tình.
Nam và nữ đều có cằm, do đó có lẽ nó không phải là một đặc tính chúng ta có được qua quá trình tiến hoá để giúp chúng ta chọn bạn tình. Sang giả thuyết tiếp theo nào!
Một trong nhiều giả thuyết nghe khá khôi hài về sự tiến hoá của cằm là nó giúp bảo vệ chúng ta trước những tổn hại vào khuôn mặt và cổ.
Mới nghe qua thì có vẻ khá buồn cười; cứ hình dung những con người cổ đại phải chịu bao nhiêu cú đấm mới khiến quá trình chọn lọc tự nhiên cho họ một cái cằm! Những cú thụi vào mặt hẳn phải diễn ra hàng ngày, khiến giả thuyết này trở nên vô lý. Suy cho cùng, con người thích ứng với tập tính sống theo cộng đồng. Chúng ta thỉnh thoảng có những cuộc chiến, nhưng liên tục choảng nhau đơn giản là không đúng lắm với lịch sử của con người.
Cằm cũng không có khả năng chống chịu tốt trong một cuộc chiến. Hàm có thể bị vỡ chỉ với một cú đấm duy nhất vào đúng chỗ trên cằm, khiến nó thực sự là một cơ chế phòng vệ nghèo nàn.
Liệu cằm có phải tiến hóa từ những chiếc răng lớn của tổ tiên chúng ta?
Giả thuyết này có tính thực tế cao hơn: ban đầu cằm tồn tại để hỗ trợ cho những chiếc răng lớn mà con người cổ đại cần đến. Các tổ tiên của chúng ta từng có răng lớn hơn nhiều so với hiện nay, dùng để xé thịt tươi. Nhưng khi chế độ ăn uống của chúng ta thay đổi, chúng ta bắt đầu nấu chín đồ ăn, thì răng cũng dần nhỏ đi, cùng với các đặc điểm khuôn mặt khác. Nhưng chẳng có lý do gì để cằm thu nhỏ lại cùng với răng, nên nó vẫn ở yên vị trí cũ cho đến ngày nay.
Giả thuyết nêu trên là ví dụ về một loại "mắt cửa" (spandrel), hay một đặc điểm phát triển nên như một sản phẩm phụ của quá trình tiến hoá, không phải là một lợi thế tiến hoá.
Cằm cũng có thể là một "mắt cửa", một sản phẩm phụ của một thay đổi mà chúng ta chưa từng biết đến. Có lẽ khi chúng ta phát triển các đặc tính hiện đại khác, cằm xuất hiện như một kết quả ngẫu nhiên nào đó. Nhiều "chuyên gia cằm học" tin rằng đây là lời giải thích có tính thực tế nhất, dù nó không cho chúng ta thêm thông tin cụ thể nào.
Ai mà nghĩ rằng một chiếc cằm bình thường lại có thể nắm giữ quá nhiều bí ẩn như vậy? Những bí mật giải thích tại sao chúng ta lại trở thành con người hiện đại, trong khi những họ hàng của chúng ta, như người Neanderthal, lại biến mất, có lẽ nằm ẩn đâu đó trong câu trả lời thứ gì đã tạo ra chiếc cằm. Dù nó không phải là một câu hỏi khoa học cấp bách, nó vẫn đủ thú vị để khiến một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu miệt mài tìm kiếm câu trả lời. Dù là một sản phẩm phát triển nên để đảm đương một chức năng hữu ích, hay chỉ là một biến cố trong quá trình tiến hoá, câu trả lời chắc chắn sẽ rất đáng để chờ đợi - dù cho nó mất bao lâu mới xuất hiện đi chăng nữa.
Link nội dung: http://thoitiethomnay.net/tai-sao-con-nguoi-lai-co-cam-a12505.html