Lịch sử nước Việt trải dài qua hàng ngàn năm với nền văn hoá độc đáo, lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này thể hiện rõ nét qua những loại trang phục truyền thống vô cùng đa dạng. Mỗi loại trang phục với đa dạng kiểu dáng, chất liệu riêng biệt, thể hiện nét đặc trưng cho văn hóa truyền thống khắp các vùng miền của Việt Nam. Hãy để Thái Tuấn giới thiệu đến các bạn đôi nét về các loại trang phục truyền thống Việt Nam để hiểu hơn những giá trị văn hoá qua bao thời kỳ của nước ta.
Nước Việt là quốc gia với nền lịch sử lâu đời cùng đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt, trang phục truyền thống của người Việt qua từng giai đoạn đã tạo nên những dấu ấn riêng biệt, nhất là trang phục của người phụ nữ. Những loại trang phục như áo dài, áo tứ thân, áo bà ba đi cùng nón quai thao đã dần trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu, là kết tinh của nền văn hiến lâu đời.
Áo dài từ lâu đã trở thành quốc phục của nước ta mỗi khi giới thiệu với bạn bè quốc tế. Áo dài Việt Nam là một trong những trang phục truyền thống chứa đựng một bề dày lịch sử, văn hoá, những quan niệm thẩm mỹ và thể hiện bản sắc văn hoá của dân tộc ta. Áo dài trước đây được sử dụng vào mọi thời điểm cho cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên hiện nay, trang phục này chủ yếu dành cho nữ và chỉ còn được mặc trong những dịp quan trọng và được xem như đồng phục nữ sinh hay đồng phục công sở.
Ngày nay, áo dài được cách tân để phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Nhiều trang phục áo dài với tà ngắn, cổ và tay áo cách điệu,… ra đời mang lại sự đa dạng cho loại trang phục này nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.
Áo tứ thân là một loại trang phục truyền thống mang vẻ đẹp xa xưa của người phụ nữ miền Bắc Việt Nam một thời. Chiếc áo mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho những đức tính, truyền thống của người phụ nữ xưa, đó là những con người mộc lại nhưng lại rất cuốn hút, luôn cần lao, chăm chỉ làm việc.
Áo tứ thân có thiết kế mang đậm tính biểu tượng, phía trước có hai tà, phía sau hai tà tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, phần yếm trong tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Ngày nay, áo tư thân vẫn được sử dụng nhiều trong các buổi biểu diễn, lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa.
Áo bà ba là trang phục truyền thống lâu đời của cả nam và nữ, phổ biến ở các vùng quê Nam Bộ. Loại trang phục này có thiết kế giản dị và gần gũi như các loại áo thông thường với tay áo dài hoặc ngắn, cổ áo giữa và được cài bằng một hàng khuy kéo dài từ cổ xuống bụng. Hình ảnh áo bà ba tượng trưng cho con người miền Nam vừa mộc mạc vừa gần gũi.
Chiếc áo bà ba với nét đẹp bình dị, nhẹ nhàng và mang lại sự thoải mái hiện vẫn đang được sử dụng ưa chuộng trong những dịp biểu diễn văn nghệ, lễ hội truyền thống hay đi chơi, đi chợ.
Áo chàm là trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Những chiếc áo truyền thống nhuộm chàm thuần tuý, không thêu bất kỳ hoạ tiết, hoa văn trang trí nào nhưng vẫn thể hiện nét văn hoá đặc trưng giản dị, đôn hậu của người Tày hay điểm hoạ tiết thổ cẩm tôn lên nét đẹp duyên dáng của người Nùng. Do sự phát triển của xã hội hiện đại, áo chàm đang dần bị mai một do quá trình chế tác tương đối phức tạp.
Có thể nói rằng trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Mỗi dân tộc ở khắp mọi miền tổ quốc đều mang lại một dấu ấn riêng, thể hiện qua thiết kế, màu sắc và chất liệu của từng loại trang phục, có thể kể đến với một số trang phục nổi bật như:
Dân tộc Chăm: Nam mặc áo cánh xếp chéo, cài dây, quần sooc bên trong và váy quấn bên ngoài. Nữ có trang phục đa dạng, thường là áo cổ tròn cài núi, mang váy xếp hoặc váy ống.
Dân tộc H’Mông: Trang phục truyền thống gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly đi với xà cạp và mũ đội đầu, được làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng hoa văn đa dạng, cầu kỳ.
Dân tộc Mường: Nam thường mặc áo cánh, ngực xẻ với cổ tròn, quần ống rộng và thắt khăn giữa bụng. Nữ mặc áo cánh thân ngắn, tay dài quá khuỷu kết hợp cùng váy màu đen dài chạm mắt cá chân được trang trí hoa văn dệt vô cùng kỳ công.
Trang phục truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ đều mang những dấu ấn riêng biệt và hàm chứa những ý nghĩa, bản sắc dân tộc của đất nước, văn hoá, con người nhiều vùng miền. Hy vọng qua bài viết này của Thái Tuấn, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về những giá trị văn hoá tốt đẹp được lưu truyền và gìn giữ qua các loại trang phục truyền thống Việt Nam.
Link nội dung: http://thoitiethomnay.net/gioi-thieu-ve-cac-loai-trang-phuc-truyen-thong-viet-nam-a12031.html