Mẹ dặn học y cứu người
Trong tập 187, ê-kíp của chương trình Gõ cửa thăm nhà đã đến thăm nhà thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh (SN 1980) đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.
Bác sĩ Thịnh sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Anh có một tuổi thơ nghèo khó, điều kiện học hành không thuận lợi.
Anh kể, đến vụ mùa, thầy cô bận chuyện đồng áng không đến lớp dạy học. Học trò ở quê thích đi bắt cá, thả diều hơn đến trường.
Bác sĩ Thịnh cũng ham chơi như bạn bè nhưng không quên nhiệm vụ học tập. Học hết lớp 9, anh khăn gói lên TP. Cần Thơ trọ học do ở quê không có trường cấp 3.
“Trong khi các bạn nghỉ học làm lúa, một số bạn đi lấy chồng, tôi lên tỉnh học với muôn vàn khó khăn về kinh tế.
Thời điểm đó, tôi sống trọ chung 6 - 7 người. Mỗi ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi chợ với số tiền ít ỏi”, bác sĩ Thịnh nhớ lại.
Cuối tuần, anh về thăm nhà, được mẹ gói ghém nào gạo nào cá… đầy ắp. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của anh. Bởi, đến cuối năm lớp 10, mẹ anh phát bệnh ung thư và qua đời.
Trước khi mất, mẹ dặn anh cố gắng học hành và theo ngành y để cứu người. Lời dặn ấy luôn soi sáng con đường học hành, thi cử dài đằng đẵng của anh.
Mẹ mất, bố của anh một mình gồng gánh, nuôi 5 con ăn học. Ông thường nhắc nhở các con: “Học hết lớp 12, đứa nào thi đậu đại học thì được đi học tiếp, đứa nào rớt phải ở nhà làm lúa”.
Vì vậy, mấy anh của bác sĩ Thịnh nỗ lực học tập, liên tiếp đậu đại học. Đến lượt mình, anh dự thi trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Đại học Y Dược TP.HCM.
Bác sĩ Thịnh kể: “Lúc đó, tôi tính thi đậu trường nào thì học trường đó. Tôi nhận được giấy báo trúng tuyển trường Đại học Bách khoa trước và nghĩ mình trượt bên Đại học Y Dược.
Khi chuẩn bị nhập học Bách khoa, tôi nhận được giấy trúng tuyển bên Y Dược. Không cần suy nghĩ, tôi vui mừng theo học ngành y như lời mẹ dặn”.
Để có tiền đóng học phí, bác sĩ Thịnh làm gia sư, xếp ghế ở rạp hát, chạy sự kiện… Có những mùa Tết, anh quay lại TP.HCM với 250.000 đồng trong túi.
Học được 2 - 3 năm, cậu sinh viên nghèo gặp được bác sĩ Ngọc Phượng (Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM). Nữ bác sĩ là người giới thiệu để anh Thịnh được du học tại Pháp.
Trong 2 năm du học, bác sĩ Thịnh theo chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, về nước, anh chọn làm việc ở khoa Sản, Bệnh viện Từ Dũ.
Quá trình làm việc tại khoa Sản, anh chứng kiến các cặp vợ chồng hiếm muộn, khát khao có con. Từ đó, anh quyết tâm học chuyên sâu về hiếm muộn.
Chưa vợ nhưng lại “đông con”
Anh Thanh, em trai bác sĩ Thịnh chia sẻ: “Gia đình có 5 anh em trai nhưng chỉ có anh Thịnh theo nghề bác sĩ, 4 người còn lại học kỹ sư.
Tôi thấy anh là người cực khổ nhất trong gia đình. Anh làm việc từ sáng cho đến tối với cường độ rất cao. 1-2h sáng, nếu có ca mổ, anh vẫn đến bệnh viện tiến hành phẫu thuật”.
Anh Thanh tiết lộ, sự “mát tay” của bác sĩ Thịnh không phải mới xuất hiện từ lúc điều trị hiếm muộn. Từ nhỏ, anh Thịnh đã “mát tay” trong việc trồng trọt, chăn nuôi.
“Anh trồng cây thì cây ra trái nhiều, to và ngon ngọt hơn người khác. Anh nuôi gà thì gà đẻ hơn 30 trứng…”, anh Thanh kể.
Vừa qua, bác sĩ Thịnh mở phòng khám, có nhờ anh Thanh hỗ trợ về mặt quản lý hành chính. Nhờ vậy, hai anh em có thời gian gần nhau.
Bác sĩ Thịnh dành phần lớn thời gian cho công việc, rất ít khi về nhà. Dù vậy, anh rất chăm chút, đầu tư chỉn chu cho không gian sống.
Căn hộ của anh khá cao cấp, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Từ đây, anh có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn thành phố nhộn nhịp.
Trong căn hộ sang trọng, anh Thịnh chỉ bầu bạn cùng người giúp việc lớn tuổi. Bà làm việc cho anh được 10 năm.
Tết là khoảng thời gian bác sĩ Thịnh phải “tự bơi”, vừa làm việc vừa lo bếp núc do người giúp việc về quê. Dù một mình sống trong căn nhà rộng lớn nhưng anh không có thời gian phiền muộn. Công việc cứ xếp hàng chờ anh Thịnh giải quyết.
Nhờ “mát tay”, bác sĩ Thịnh chữa thành công nhiều ca hiếm muộn. Nhiều bệnh nhân hiếm muộn sống ở nước ngoài về Việt Nam, tìm bác sĩ Thịnh điều trị.
Anh được nhiều bệnh nhân yêu mến gọi bằng nhiều danh xưng dễ thương như: “bác sĩ Thịnh”, “ông bố đông con”, “cha đỡ đầu mát tay”.
Từ lúc bén duyên mạng xã hội, bác sĩ Thịnh càng thêm nổi tiếng. Mỗi ngày, anh đều chia sẻ các video hài hước về cách điều trị hiếm muộn trên các nền tảng mạng xã hội.
Các bệnh nhân hiếm muộn nhờ xem được các video này mới hiểu và tìm đến bệnh viện điều trị sớm.
Mải miết tìm niềm vui cho các gia đình, bác sĩ Thịnh tạm gác hạnh phúc riêng. Anh dự định 2 năm nữa mới nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Link nội dung: http://thoitiethomnay.net/ong-bo-dong-con-he-lo-can-ho-sang-trong-43-tuoi-chua-tinh-chuyen-ket-hon-a11756.html