Theo ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, toàn bộ nội dung công tác giám sát trực tiếp của nhân dân và giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần được đưa vào chương trình giảng dạy trong các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, từ đó giúp nâng cao tư duy, nhận thức đầy đủ và sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò chủ thể của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giải pháp được ông Đỗ Duy Thường nêu ra xuất phát từ thực tế hiện nay, khi các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại nhiều nơi chưa được trang bị kỹ năng, tập huấn và cung cấp đủ tài liệu hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ chuyên môn về giám sát đầu tư của cộng đồng. Như chia sẻ của bà Đỗ Cẩm Thục - đại diện Ủy ban MTTQ phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho thấy, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại phường vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như các thành viên trong Ban hầu hết tuổi đã cao, nhiệm vụ chuyên môn đôi khi còn hạn chế. Bên cạnh việc nâng cao nội dung công tác giám sát trực tiếp của nhân dân và giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, công tác lựa chọn nhân sự cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở cũng cần được đảm bảo về sự uy tín, có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên môn và biện pháp xử lý tình huống thực tế.
Liên quan đến nhân sự của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, ông Thường cho rằng, cần sớm sửa đổi Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tiễn hiện nay mà MTTQ các tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện ở một số vấn đề.
Trong đó, cơ cấu, thành phần Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng bao gồm đại diện: Ủy ban MTTQ cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ cấp xã và đại diện người dân trên địa bàn, thay cho cơ chế hiện nay thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng không có thành phần là đại diện của các tổ chức thành viên của MTTQ cấp xã. Số lượng thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với mỗi dự án từ 5-10 người, tùy theo quy mô của từng dự án đầu tư.
Theo ông Thường, để nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của Ủy ban MTTQ cấp xã và chất lượng các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. MTTQ Việt Nam cần phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên để lựa chọn những cán bộ đã nghỉ hưu có trình độ chuyên môn, kỹ thuật nhất định, cùng với tính tích cực xã hội, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân để tham gia làm thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
“Cán bộ Mặt trận cấp xã và các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần nhận thức sâu sắc quyền và trách nhiệm trước nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, nâng cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát” - ông Thường đề xuất.
Link nội dung: http://thoitiethomnay.net/dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-trong-giam-sat-a10638.html