Bàn về châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”

Bàn về châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”

Châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” - Sông càng sâu nước chảy càng chậm, lúa càng nhiều hạt càng cúi thấp, người càng tài giỏi càng khiêm cung. Bạn không cần ngưỡng mộ thứ mà người khác có, bởi chỉ cần ra sức cũng có thể đạt được. Bạn cũng đừng thể hiện thứ mình đang có tất cả, bởi chỉ cần cố gắng người khác cũng sẽ có được như bạn.

Sông càng sâu càng tĩnh lặng, đó là bản chất của tự nhiên ở bất cứ dòng sông nào. Chỉ có những con sông sâu biết “hạ mình xuống” thì trăm vạn con sông con suối khác mới róc rách chảy về, càng tiếp nhận được nhiều nguồn nước hơn. Khi lúa còn xanh, lúa ngẩng cao đầu chót vót, nhưng bên trong mới chỉ thơm mùi sữa. Càng dần già, trải qua quá trình tích lũy dinh dưỡng, những mưa nắng bão bùng, bông lúa dần nặng hạt, tích lũy đủ chất và lượng, rồi chuyển sang màu vàng óng, đó là khi lúa đã chín và cúi đầu dần xuống như tỏ lòng biết ơn đất trời.

Trong cuộc sống cũng vậy, người càng thông minh sẽ biết khiêm nhường. Khi chúng ta còn trẻ ở độ tuổi non nớt chưa có trải nghiệm nhiều chính vì thế mà chúng ta dễ mắc phải những sai lầm. Khi chúng ta trải qua nhiều vấp ngã, chông gai sẽ tự mình biết đứng dậy và học hỏi từ những bài học ấy, mỗi người đều phải tự biết cách trưởng thành và học hỏi từ những thất bại mới có thể thành công được. Khi đã đạt được vị trí nhất định rồi bạn sẽ thích những người giỏi giang, khiêm tốn luôn nói ít nhưng lại làm nhiều hơn những kẻ chỉ thích múa võ mồm.

Người thông minh luôn biết cách nói chuyện khi cần thiết và có lúc chúng ta lại cần sự im lặng. Vạn vật trong vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Những sinh mệnh này tồn tại một cách hài hòa có trật tự. Bởi vậy mà con người phải tôn kính trời đất, trân quý tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm về nguồn gốc chân chính của mình. Kinh Dịch giảng rằng, hết thảy phép tắc và đạo lý làm người đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người bỏ ác theo thiện. Quẻ cát là để khuyến khích con người mỗi ngày làm thêm một việc thiện. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) thì mỗi một hào đều là cát tường, may mắn.

Bàn về châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
Người người ai ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường (Ảnh minh hoạ)

“Kiêu ngạo thì chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên học sự khiêm tốn và vô tư của đại địa. “Ba người đi tất có người làm thầy của ta”, lấy người làm thầy, không ngại học hỏi người dưới, lấy tâm làm gương, luôn luôn tự xét lại mình. “Trời sinh ta ắt có chỗ dùng”, chỉ cần chúng ta hiểu rõ chính mình, có thể dũng cảm nhận sai, thẳng thắn thành khẩn tìm ra chỗ thiếu sót của bản thân, thì tự nhiên cảnh giới của chúng ta sẽ mở rộng ra đến vô hạn.

“Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu, nước sâu tĩnh lặng người khôn kiệm lời”. Có những người giành cả cuộc đời chỉ để đi tranh đấu, hơn thua với người khác. Cũng có những người thích cuộc sống bình lặng, không tranh chấp hay đấu đá với bất cứ ai, họ sống cho đời và biết bỏ qua những điều vụn vặt ấy để hướng đến ý nghĩa của cuộc sống.

Thời nhà Đường, Hoàng đế Thái Tông đã từng tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn. Ông khuyến khích các bề tôi khuyên can và lắng nghe bằng sự khiêm nhường. Ông không thỏa mãn cho tới khi được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “thịnh thế Thiên triều” để cai quản một quốc gia giàu mạnh.

Bàn về châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
Có thể đặt mình ở dưới mà bao dung tất cả đó chính đức khiêm vậy. (Ảnh: BLdaily.com)

Đại Vũ không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”. Cho nên, ông có thể vượt qua muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh đến muôn đời.

Người xưa dạy: Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi với người khác, tu dưỡng đức hạnh trung tín, khiêm nhường mà không tranh giành, tu dưỡng để có được lòng tự tin, có đủ năng lực để người khác tín nhiệm, như thế mới giữ gìn được mỹ đức. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm vật chướng ngại, cản trở mình thăng hoa lên mà thôi.

Người nhận thức càng thấp, càng thích phô trương để đạt danh đạt lợi. Nhưng ở mặt khác, nó chính là biểu hiện cho sự thấp kém. Những người thực sự tài giỏi, trình độ cao, nhận thức phong phú, đa dạng, thường ít đi khoe khoang, thể hiện với người khác. Bởi vì nội tâm của họ vốn đã phong phú, họ sống theo cách họ muốn, chứ không cần sống theo cách người khác nghĩ. Người càng hiểu biết, lại càng khiêm tốn. Họ giống như những bông lúa mạch, chỉ vì trên người đã mang nhiều thứ, nên họ học được cách cúi đầu…

Nghi Vân (t/h)

Bàn về châm ngôn “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”Xem thêm:

Cảm nhận Shen Yun: Chữ ‘Nhẫn’ của Hàn Tín trong vở diễn “Hàn Tín”

Ý nghĩa của chữ “Hòa”

Khiêm tốn để thành công

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống - Nhân Văn - Trung Thực*

Link nội dung: http://thoitiethomnay.net/ban-ve-cham-ngon-song-sau-tinh-lang-lua-chin-cui-dau-a10599.html