Tham dự Hội thảo khoa học có lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu Viện Sử học, một số lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ Viện Lịch sử Đảng, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Trần Đại Nghĩa… PGS. TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, TS. Trần Thị Phương Hoa - Phó Viện trưởng giao điều hành Viện Sử học chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhằm mục tiêu đóng góp thêm giá trị khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam, sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị Paris về hoà bình, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Về mặt khoa học, Hội thảo tiếp tục khai thác cứ liệu lịch sử làm dày dặn hơn khung nghiên cứu liên quan đến sự kiện lịch sử này; về mặt thực tiễn, Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi về những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử, từ đó hiểu rõ hơn nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam. 29 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp tại Hội thảo đã tập trung làm rõ ba nội dung chính:
Thứ nhất là những vấn đề chung, đã nêu bật được vai trò to lớn và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền trong quyết định mở cuộc Tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam cũng như trong các chiến dịch. Từ đó nhìn nhận và đánh giá cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam Việt Nam năm 1972 trong toàn bộ tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thứ hai về diễn biến của cuộc tiến công chiến lược, các tham luận đã làm rõ diễn biến, vai trò, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên và chiến trường Tây Nguyên, đặc biệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn tập trung làm rõ sự tham gia, đóng góp của các lực lượng, sự phối hợp trên chiến trường ba nước Đông Dương (Lào, Campuchia).
Thứ ba về ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn, đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện của dân tộc ta nói chung và trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam nói riêng; sự nhạy bén, linh hoạt trong quá trình chỉ đạo thực hiện tiến công địch và sự kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, phá tan âm mưu đàm phán trên thế mạnh của địch tại Hội nghị Paris, từ đó đúc rút những bài học quý báu, thông qua đó gợi mở, vận dụng và phát huy giá trị những bài học, kinh nghiệm vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Hội thảo khoa học Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn diễn ra sau 50 năm (1972 - 2022) đã góp phần quan trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam, để chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, đồng thời thêm trân trọng một biểu tượng sáng ngời - tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong "cuộc đụng đầu lịch sử" với đế quốc Mỹ xâm lược.
Viện Sử học