Giáo dục

Tình bạn như của để dành

Ảnh: Internet

Chúng ta lớn lên, trước hết là trong tổ ấm gia đình. Nhưng khi bắt đầu cắp sách tới trường, ngay từ tuổi mẫu giáo cho đến hết đời mình, ta sẽ làm quen, kết bạn với rất nhiều người. Muốn thành bạn, trước hết cả hai phải có một chữ đồng. Đồng niên (ngang tuổi nhau, hoặc chênh nhau quá thì gọi là bạn vong niên), đồng giới, đồng nghiệp, đồng sở thích... Bây giờ, người ta còn tìm những người bạn đồng môn, đồng ngũ, đồng hương... nữa. Rồi bạn chơi thể thao, mê bóng đá, mê thời trang thị hiếu, bạn bài bạn bạc, bạn bia bạn rượu...

Gần đây, các cô chiêu cậu ấm còn tìm bạn “chat” qua các nick name trên mạng. Những bạn này mới khiếp lạ. Họ có thể ở cách xa hàng ngàn cây số và cũng có khi ở ngay sát vách khu tập thể cũng nên. Nhưng xa hay gần không quan trọng, nhóm bạn này vẫn có thể “ôm máy” mê mải chat (tán gẫu) với nhau cả ngày không chán. Nhiều cô cậu còn bỏ cả ăn cả uống, thẫn thờ như người mất hồn vì một chuyện không đâu. Tình bạn của họ thật đáng nể quá!

Nhưng bạn bè thực sự đâu phải thế.

Bạn bè trước hết phải là những người cùng chung chí hướng. Họ cũng có khát vọng về một hoài bão và giúp nhau biến hoài bão đó thành hiện thực. Tình bạn giữa hai lãnh tụ vô sản lỗi lạc là Các Mác và Ph. Ăngghen đáng để chúng ta học tập. Hai ông đã chia sẻ với nhau những niềm hạnh phúc của sự khám phá chân lí cũng như những khó khăn cơ cực nhất của cuộc sống thường nhật.

Và từ thuở xa xưa, dân gian ta đã truyền tụng câu chuyện cảm động về hai người bạn học là Lưu Bình và Dương Lễ. Mặc dù gia cảnh hai người khác nhau (nhà Lưu Bình giàu có, còn nhà Dương Lễ lại rất nghèo) nhưng họ là hai bạn học thân thiết. Song Lưu Bình vì mải mê chơi bời mà thi cử toàn hỏng, trong khi đó, Dương Lễ giỏi giang, đỗ đạt làm quan. Băn khoăn vì “chút bạn hiền nghĩa cũ” cần phải giúp sức, chàng Dương Lễ không quản ngại khó khăn điều tiếng, bí mật để thiếp yêu của mình là “Nàng Ba Châu Long” đích thân đi hầu giúp bạn mình sớm hôm đèn sách, khi Lưu Bình đỗ đạt rồi mới thôi. Bạn bè như vậy, đúng là “sống để dạ, chết mang theo”.

Bạn bè, chiến hữu trước hết là những người trong quan hệ bình đẳng, ngang hàng. Đã là bạn, khi vào cuộc, không thể đưa các nhân tố “phụ” như quan hệ gia tộc, tuổi tác, quyền uy hay ơn huệ nợ nần làm ảnh hưởng tới bổn phận trách nhiệm mỗi cá nhân phải gánh vác. Một người bạn tốt trước hết là một người biết làm tròn phận sự và biết cách hỗ trợ người khác cũng làm được như mình.

Ta thường thấy, trong các buổi nhậu nhẹt tiệc tùng vui vẻ, nhiều nhóm bạn bè hò hét “trăm phần trăm” thi nhau uống. Theo họ, có uống nhiều, uống cạn mới là những người bạn “hết mình”, là “chiến hữu” thực sự. Lừng khừng không chịu nhập cuộc, không nhậu “chìm xuồng”, không say “tới bến” chưa phải là bạn thân, chưa thật lòng. Bạn bè nhiều khi cần vui vẻ thoải mái, chúng ta không phản đối. Âu đó cũng là nhu cầu thường nhật. Tuy nhiên...

Người bạn tốt là người biết chìa tay ra cùng ta chia sẻ trong hoạn nạn. Không thể “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Trong cuộc sống, sẽ có bao nhiêu khó khăn, trắc trở, rủi ro... để chúng ta đi đến cùng tới bến thành đạt. Nhiều khi, mình ta lo không xuể. Ta phải có sự động viên, bảo ban, trợ giúp cần thiết của những người thầy, những người bạn. Không thầy đố mầy làm nên. Và Học thầy không tầy học bạn. Ai hay ai phải là ta học, ta theo. Trong nghìn sự học để mong nên người, học ngay trong chính bạn bè là một điều thường xuyên và cần thiết. Bởi lẽ, họ chia sẻ với ta tri thức, kinh nghiệm ở mọi nơi mọi lúc. Khi cần, ta chỉ giơ cánh tay ra là đã có bạn bè đỡ lấy ngay.

Muốn vậy, ta phải có tình thân trước đã. Trong quan hệ cho và nhận, không thể có logic một chiều.

“Người không tạo được niềm tin nơi đồng loại thì không đứng được ở đời” (Khổng Tử).

Có yêu người mới mong được người yêu lại. Nhưng cái cho của bạn bè cũng thật đặc biệt. Tôi giúp anh hôm nay không phải là ngày mai anh phải giúp tôi ngay. Sẽ và chắc chắn rồi có lúc có cơ hội. Tình bạn cũng như của để dành vậy. Có những việc diễn ra từ lâu lắm, ta quên hẳn rồi. Vậy mà, đột nhiên, trong một trường hợp rất tình cờ, ta lại nhận được sự hỗ trợ to lớn ngoài sức tưởng tượng của bạn bè. Sự giúp đỡ tưởng vô tư đó chính là một bài học rất thấm thía về nghĩa cử bè bạn. Làm ơn hám dễ mong người trả ơn ngay! Yên tâm “gái có công, chồng không phụ” mà!

Vợ hay chồng - chính là những người bạn đời bền vững và sâu nặng nhất. Vì vậy, quy trình “kết bạn trăm năm” này cũng công phu, dài lâu và gặp nhiều trắc trở. Vợ - chồng, chính là “tài sản” lớn nhất mà mỗi chúng ta có được trên đường đời.

Bạn có thể được coi là người có tình hữu ái giai cấp, bạn bè, nhưng thật đáng trách nếu phẩm chất đó không được thể hiện trong gia đình của bạn. Cuộc sống gia đình có bao nhiêu màu sắc và bao nhiêu điều khó khăn lớn nhỏ. Song nó sẽ hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió” nếu vợ chồng bạn cùng chung vai gánh vác một cách hài hoà, hợp lí. Thuận vợ thuận chồng tát Bể Đông cũng cạn. Thuận hoà ở đây có nghĩa là là hiểu nhau, biết tôn trọng nhau và biết hỗ trợ kịp thời các công việc của nhau.

Người xưa có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Xét cho cùng, bao trùm lên cả câu nói đó là ý nghĩa cao cả về tình yêu thương, tình bằng hữu. Bất luận trong mọi mối quan hệ, khi chúng ta coi nhau là bạn, là đồng chí, đồng nghiệp thật sự, chắc chắn là chúng ta sẽ chung tay để làm nên “một cái gì”. Có thể là một sự nghiệp lớn, có thể là một công việc nhỏ. Nhưng bao giờ cũng sẽ là một việc có ý nghĩa.

Bạn bè là tài sản quý giá nhất mà mọi thế lực cường quyền hay mọi giá trị vật chất (dù lớn đến mấy) cũng không dễ dàng đổi chác và chiếm đoạt được.

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)