Giáo dục

Thách thức lớn của ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta hiện nay

Ngành nuôi trồng thủy sản nước ta hiện nay đã và đang đạt được nhiều thành tựu lớn đáng tự hào, song đi cùng với đó là những khó khăn và thách thức lớn về môi trường, quản lý và cạnh tranh quốc tế. Bài viết này cùng Biogency điểm lại bức tranh toàn cảnh của ngành nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta hiện nay.

Vị thế của ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta hiện nay

Đứng trước thực trạng nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên có xu hướng suy giảm, thậm chí là cạn kiệt, nuôi trồng được xem là bước đi tất yếu của ngành thuỷ sản. Đặc biệt khi Việt nam là quốc gia có lợi thế đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt có thể phát triển nuôi trồng quanh năm.

Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản.

Theo đó, năm 2010 diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta đạt 1.024,3 nghìn ha, sản lượng đạt 2.732,3 nghìn tấn, gấp 4,6 lần so với năm 2000. Đến năm 2021, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1.135 nghìn ha, sản lượng đạt 4,8554 nghìn tấn. Hiện tại, tính chung cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2022. Trong đó, cá đạt 6.612,6 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 1.356,1 nghìn tấn, tăng 5%; thủy sản khác đạt 1.343,6 nghìn tấn, tăng 1,7% so với năm trước.

Thống kê sản lượng nuôi trồng thủy sản qua các năm. (nguồn: gso.gov.vn)

Có thể thấy, ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta hiện nay đang từng bước trở thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng mở, có vị trí quan trọng và đang tiến đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, hiện tại tôm và cá tra là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất.

>>> Xem thêm: Tình hình nuôi tôm hiện nay ở nước ta

Thách thức lớn của ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta hiện nay

Mặc dù giành được nhiều kết quả tăng trưởng tích cực về số lượng lẫn quy mô, tuy nhiên không thể phủ nhận ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường, quản lý dịch bệnh, cạnh tranh quốc tế…

- Thiếu quy hoạch

Một trong những đặc điểm của ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta là phần lớn các mô hình đang ở quy mô gia đình, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch. Điều này dẫn đến các khó khăn khi truy xuất sản phẩm và đặc biệt là áp dụng công nghệ, quy trình quốc tế để giảm giá thành, tăng cạnh tranh với thị trường quốc tế.

- Dịch bệnh

Kiểm soát dịch bệnh là một trong những thách thức lớn của ngành nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta hiện nay. Năm 2023, ước tính tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại khoảng 25.404 ha, tăng 7.9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mắc các bệnh về gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng và một số bị sưng bóng hơi, phù đầu, tuột nhớt. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm uy tín của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Canh tranh quốc tế

Nêu lên bức tranh của ngành thủy sản thời gian qua, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, thuỷ sản xuất khẩu gặp khá nhiều rào cản, một trong những rào cản lớn đó là là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, thuỷ sản Việt Nam khi xuất khẩu còn phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, quy định về SPS và TBT, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động…

- Ô nhiễm từ nuôi trồng thuỷ sản

Đây là thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung, điển hình nhất là nuôi tôm. Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), hiện diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đã tiệm cận với Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nguồn nước sạch phục vụ nuôi tôm lại không đáp ứng đủ nhu cầu, còn nguồn nước thải, chất thải từ nuôi tôm chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường làm phát sinh dịch bệnh dẫn đến tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp.

Nguồn nước trong nuôi trồng thuỷ sản đang ở tình trạng ô nhiễm báo động.

Ông Hữu nêu thực trạng: “Trong khi lượng bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản thải ra ngày càng nhiều thì hạ tầng thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi vẫn còn thiếu và yếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp… Đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá thành nói riêng và giá trị ngành tôm nói chung”.

Có thể thấy, bức tranh toàn cảnh của ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta hiện nay có những tín hiệu tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn lắm chông gai và thách thức, nếu không sớm tháo gỡ thì ngành thuỷ sản khó có thể tăng tốc và vươn tầm thế giới như kỳ vọng.

>>> Xem thêm: Hiện nay nghề nuôi tôm phát triển mạnh nhất ở đâu? Giải pháp nào cho nuôi tôm hiệu quả?