Giáo dục

Séc là gì? Xuất trình và thanh toán séc như thế nào?

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ chuyển nhượng như séc, hối phiếu trong ngành tài chính ngân hàng thì việc ban hành Luật Các công cụ chuyển nhượng là rất cần thiết không chỉ đáp ứng các yêu cầu khách quan của nền kinh tế mà còn thể chế hoá đường lối của Đảng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hội nhập và hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành về công cụ chuyển nhượng.

Vậy séc là gì? Xuất trình và thanh toán séc như thế nào? Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây hoặc GỌI NGAY tới hotline 0908 308 123 để được luật sư riêng cho cá nhân TƯ VẤN MIỄN PHÍ.

Căn cứ pháp lý

Luật Các công cụ chuyển nhượng số 49/2005/QH11 được Quốc hội lần thứ 11 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Sau đây được gọi là Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005).

Séc là gì?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng ghi nhận như sau:

“4. Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.”

Như vậy, séc được hiểu là một văn kiện mệnh lệnh vô điều kiện thể hiện dưới dạng chứng từ của người chủ tài khoản, ra lệnh cho ngân hàng trích từ tài khoản của mình để trả cho người có tên trong séc, hoặc trả theo lệnh của người ấy hoặc trả cho người cầm séc một số tiền nhất định, bằng tiền mặt hay bằng chuyển khoản. Ngoài ra séc cũng có thể được định nghĩa là một hối phiếu ký phát đòi tiền một ngân hàng, thanh toán ngay khi có yêu cầu.

Thời hạn xuất trình séc là bao lâu?

Thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc là ba mươi ngày, kể từ ngày ký phát.

Người thụ hưởng có thể được xuất trình yêu cầu thanh toán séc muộn hơn, nếu việc chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán.

Ngoài ra, người thụ hưởng cũng có thể xuất trình séc để thanh toán theo hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Như vậy, việc xác định thời điểm xuất trình séc để thanh toán trong trường hợp này được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.

Địa điểm xuất trình séc

Trong thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán, séc phải được xuất trình để thanh toán tại một trong ba địa điểm thanh toán sau:

- Địa điểm được ghi trên mặt trước séc

- Địa điểm kinh doanh của người bị ký phát đối với trường hợp địa điểm thanh toán không được ghi trên séc.

- Trung tâm thanh toán bù trừ séc nếu được thanh toán qua Trung tâm này.

Trong đó, trung tâm thanh toán bù trừ séc được định nghĩa tại Khoản 12 Điều 3 Thông tư 22/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng và sử dụng séc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành như sau: Trung tâm thanh toán bù trừ séc là Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức khác được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để tổ chức, chủ trì việc trao đổi, thanh toán bù trừ séc, quyết toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc thanh toán bù trừ séc cho các thành viên là ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước.

Đối tượng xuất trình séc

Việc xuất trình séc để thanh toán được coi là hợp lệ khi séc được những người sau xuất trình tại địa điểm thanh toán:

- Người thụ hưởng là người sở hữu séc với tư cách của một trong những người sau đây:

  • Người được nhận thanh toán số tiền ghi trên séc theo chỉ định của người ký phát, người phát hành;
  • Người nhận chuyển nhượng séc theo các hình thức chuyển nhượng: ký chuyển nhượng và chuyển giao.
  • Người cầm giữ công cụ chuyển nhượng có ghi trả cho người cầm giữ.

- Người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng.

Thời hạn thanh toán séc

- Ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau khi xuất trình nếu người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

Trường hợp vi phạm thời hạn này thì người bị ký phát phải bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng, tối đa bằng tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính từ ngày séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng tại thời điểm xuất trình séc

- Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ghi là ngày ký phát trên séc thì việc thanh toán chỉ được thực hiện kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

- Trường hợp séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá sáu tháng kể từ ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu người bị ký phát không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

Việc thanh toán séc trong trường hợp này sẽ chấm dứt sau sáu tháng, kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán sau khi người ký phát bị tuyên bố phá sản, giải thể, chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì séc vẫn có hiệu lực thanh toán.

- Trường hợp khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc, nếu người thụ hưởng yêu cầu được thanh toán một phần số tiền ghi trên séc thì người bị ký phát có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của người thụ hưởng trong phạm vi khoản tiền mà người ký phát hiện có và được sử dụng để thanh toán séc.

Thanh toán một phần số tiền trên séc

Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, người bị ký phát phải ghi rõ số tiền đã được thanh toán trên séc và trả lại séc cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền. Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền phải lập văn bản biên nhận về việc thanh toán đó và giao cho người bị ký phát.

Văn bản biên nhận trong trường hợp này được coi là văn bản chứng minh việc người bị ký phát đã thanh toán một phần số tiền ghi trên séc.

Khi nào bị đình chỉ thanh toán séc?

Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán séc mà mình đã ký phát bằng việc thông báo bằng văn bản cho người bị ký phát yêu cầu đình chỉ thanh toán séc khi séc này được xuất trình yêu cầu thanh toán.

Thông báo đình chỉ thanh toán chỉ có hiệu lực sau thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc, cụ thể là 30 ngày kể từ ngày ký phát.

Người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên séc sau khi séc bị người bị ký phát từ chối thanh toán theo thông báo đình chỉ thanh toán của mình.

Séc bị từ chối thanh toán khi nào?

Séc được coi là bị từ chối thanh toán nếu sau ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày xuất trình mà người thụ hưởng chưa nhận được đủ số tiền ghi trên séc.

Khi từ chối thanh toán séc, người bị ký phát, Trung tâm thanh toán bù trừ séc phải lập giấy xác nhận từ chối thanh toán, ghi rõ số séc, số tiền từ chối, lý do từ chối, ngày tháng xuất trình, tên, địa chỉ của người ký phát séc, ký tên và giao cho người xuất trình séc.

Dịch vụ tư vấn quy định về séc của Luật Hoàng Anh

Nếu như có thắc mắc hoặc có vấn đề nào chưa rõ, đừng ngần ngại liên hệ với Công ty Luật Hoàng Anh qua số hotline: 0908 308 123 để trao đổi và làm rõ thêm về các vấn đề liên quan đến séc một cách CHÍNH XÁC - NHANH CHÓNG.

Các luật sư của Luật Hoàng Anh là những luật sư chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, trực tiếp tiến hành tư vấn và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của bạn một cách hiệu quả nhất.