Nâng ngực là loại phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến, khoảng 300.000 người thực hiện tại Hoa Kỳ mỗi năm [1]. Hiện Việt Nam chưa có số liệu cụ thể nhưng đây là phương pháp thẩm mỹ được nhiều chị em ưa chuộng giúp mang lại sự tự tin về dáng vóc ở cả phụ nữ sau sinh và người bệnh ung thư vú. Vậy phẫu thuật nâng ngực có chỉ định nào? Quy trình thực hiện ra sao? Bài viết này được thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đưa ra thông tin tổng quan và giải đáp các thắc mắc về nâng ngực.
Nâng ngực là gì?
Nâng ngực là phẫu thuật làm tăng kích thước, hình dáng, điều chỉnh sự cân đối của bộ ngực. Ngực có thể được tăng kích thước bằng cách sử dụng túi ngực hoặc mô tự thân. Hiện, có 2 phương pháp phẫu thuật nâng ngực chính: nâng ngực bằng túi ngực và nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân.
Tại sao cần phẫu thuật nâng ngực?
Phẫu thuật nâng ngực giúp:
- Tăng kích thước ngực.
- Cải thiện hình dáng ngực sau khi mang thai hoặc giảm cân.
- Tăng tính thẩm mỹ.
- Điều chỉnh ngực đều và cân đối.
Ngoài ra, khách hàng có thể nói với bác sĩ về mong muốn của bản thân để đạt được hiệu quả nâng ngực như mong muốn.
Các phương pháp phẫu thuật nâng ngực hiện nay
Hiện, có 2 phương pháp phẫu thuật nâng ngực chính: cấy ghép túi ngực và nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân. Cụ thể:
1. Đặt túi ngực (ngực cấy ghép)
1.1 Túi ngực bằng nước muối
- Túi ngực bằng nước muối hình tròn: túi ngực này được làm đầy bằng nước muối vô trùng. Loại này nếu vỡ bên trong ngực, cơ thể sẽ hấp thụ nước muối và đào thải ra ngoài theo cách tự nhiên.
- Túi ngực bằng nước muối hình giọt nước: túi ngực này chứa đầy nước muối vô trùng và có hình giọt nước giúp cho bầu ngực trông tự nhiên hơn.
1.2 Túi ngực bằng silicon
- Túi ngực bằng silicon truyền thống: túi ngực này được làm bằng gel silicon. Nếu túi vỡ, gel có thể vẫn nằm trong vỏ hoặc rò rỉ vào mô tuyến vú. Khách hàng nâng ngực bằng loại túi này cần gặp bác sĩ định kỳ để kiểm tra, đảm bảo túi vẫn bình thường.
- Túi ngực ổn định hình dạng: túi ngực này được gọi là túi ngực gummy bear vì có thể giữ nguyên hình dạng ngay cả khi vỏ túi vỡ. Túi này được làm bằng gel silicon dày và cứng hơn so với túi ngực thông thường. Tuy nhiên, bác sĩ phải rạch da phẫu thuật dài hơn khi lựa chọn loại túi ngực này.
1.3 Túi ngực hình tròn và hình giọt nước
- Túi ngực tròn: loại này giúp ngực trông đầy đặn hơn. Bởi, túi ngực tròn đầy không làm thay đổi diện mạo ngực khi bị xoay ra khỏi vị trí.
- Túi hình giọt nước: túi ngực loại này có phần bên dưới đầy đặn hơn phần trên, giúp cho bầu ngực có hình dáng trông tự nhiên hơn.
1.4 Túi ngực trơn và nhám:
- Túi ngực trơn: túi ngực này mang lại cảm giác mềm mại nhất trong tất cả các loại. Túi ngực trơn thường khiến chuyển động của ngực trông tự nhiên hơn so với các loại túi khác.
- Túi ngực nhám: loại túi ngực này có thể khiến cơ thể tạo ra mô sẹo để bám vào, ít di chuyển. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ co thắt bao xơ của túi ngực nhám thấp hơn túi trơn. Tuy nhiên, người đặt túi ngực này có thể xuất hiện u lympho tế bào lớn bất sản liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL) hiếm gặp.
2. Nâng ngực bằng mô mỡ tự thân
Trong phẫu thuật nâng ngực bằng mô mỡ tự thân, bác sĩ sẽ sử dụng mỡ từ các vị trí khác trên cơ thể để ghép vào vú. Phương pháp nâng ngực này thường dành cho người muốn tăng kích thước ngực tương đối nhỏ. Sau khi nâng ngực bằng ghép mỡ tự thân, khách hàng có bầu ngực mềm mại như ban đầu. Hầu hết, bác sĩ sẽ lấy mỡ từ một trong các vùng sau:
- Bụng.
- Hai bên hông (phần hông và lưng dưới của bụng).
- Lưng.
- Đùi.
Khách hàng có thể lựa chọn các phương pháp nâng ngực tùy thuộc vào mong muốn hình dáng ngực của bản thân. Tuy nhiên, có một số phương pháp nâng ngực chỉ được FDA chấp thuận với độ tuổi nhất định. Điều quan trọng, khách hàng cần tìm hiểu đầy đủ thông tin, biết ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp và trao đổi với bác sĩ trước khi đưa ra lựa chọn nâng ngực.
Đối tượng chỉ định nâng ngực
Đối tượng chỉ định nâng ngực, bao gồm:
1. Chỉ định
- Người đủ sức khỏe.
- Phụ nữ không đang mang thai hoặc cho con bú.
- Phụ nữ có ngực đã phát triển đầy đủ.
- Người mong muốn cải thiện hình dáng và kích thước ngực.
2. Chống chỉ định
- Phụ nữ dưới 18 tuổi chưa hoàn thiện quá trình phát triển thể chất và ngực.
- Người mắc một số bệnh như tim mạch, tiểu đường không kiểm soát được, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
- Người có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
- Người mắc nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính sau phẫu thuật.
- Người bệnh rối loạn tâm lý hoặc không ổn định tâm lý.
Phẫu thuật nâng ngực có nguy hiểm không?
Có, phẫu thuật nâng ngực nguy hiểm và có thể gây ra một số vấn đề, như: sẹo, co thắt bao xơ, vỡ túi ngực, núm vú trở nên nhạy cảm hoặc giảm cảm giác, sản xuất ít sữa hơn, chảy máu hoặc xuất hiện cục máu đông, nhiễm trùng, dị ứng, đặc biệt u lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL). Vì vậy, khách hàng hãy đến đúng lịch tái khám và tầm soát định kỳ để bác sĩ khám, kiểm tra túi ngực và tình hình sức khỏe của khách hàng. [2]
Quy trình phẫu thuật nâng ngực
1. Tư vấn trước nâng ngực
Trước khi phẫu thuật nâng ngực, khách hàng sẽ có buổi tư vấn với bác sĩ để trao đổi những thắc mắc và mong muốn thay đổi ở ngực. Điều quan trọng, khách hàng cần hiểu nâng ngực chỉ giúp cải thiện, không tìm hoàn hảo. Ngoài ra, người bệnh cũng cần đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất tốt.
2. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật nâng ngực, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số điều sau:
- Xét nghiệm máu.
- Kê một số loại thuốc hoặc điều chỉnh thuốc khách hàng đang sử dụng hiện tại.
- Bỏ thuốc lá.
- Tránh một số loại thực phẩm hoặc đồ uống.
- Tránh dùng aspirin và một số loại thuốc chống viêm.
- Tìm người thân hỗ trợ chăm sóc và đưa về sau phẫu thuật.
- Sắp xếp thời gian, công việc để có thể nghỉ ngơi ít nhất 3 ngày hoặc 3 tuần với việc lao động nặng.
Khách hàng cần tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ trước khi phẫu thuật. Việc này sẽ giúp ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và khách hàng hồi phục nhanh, đạt hiệu quả nâng ngực cao.
Xem thêm: Những điều cần biết trước khi đặt túi ngực và lưu ý quan trọng
3. Thực hiện nâng ngực
Sau khi gây mê cho khách hàng, bác sĩ sẽ thực hiện quá trình nâng ngực cho người bệnh theo các bước sau:
- Rạch vết mổ: bác sĩ sẽ thảo luận với khách hàng và chọn đường rạch da phù hợp nhất theo mong muốn của khách hàng. Cụ thể:
- Thông qua nếp gấp dưới vú.
- Dọc theo rìa quầng vú.
- Phương pháp tiếp cận qua nách.
- Bóc tách tạo khoang chứa túi ngực: tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ bóc tách để tạo khoang chứa túi ngực ở sau mô tuyến vú, cân cơ ngực hoặc cơ ngực.
- Đặt túi ngực vào khoang: sau khi bóc tách tạo khoang phù hợp, bác sĩ sẽ kiểm tra cầm máu cẩn thận trước khi đưa túi ngực vào khoang.
- Đóng vết mổ: sau khi đặt xong túi ngực, bác sĩ sẽ khâu vết rạch lại và có thể sử dụng thêm ống dẫn lưu.
4. Sau phẫu thuật nâng ngực
Sau phẫu thuật nâng ngực, khách hàng sẽ được đưa đến phòng hồi tỉnh để theo dõi vài giờ trước khi chuyển về khoa điều trị. Khách hàng có thể được xuất viện trong ngày hoặc vào ngày hôm sau.
Trước xuất viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kiểm soát cơn đau và hướng dẫn cụ thể cho người bệnh cách chăm sóc vết thương tại nhà. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tháo chỉ khâu trong khoảng 1 tuần, hẹn lịch tái khám cho người bệnh để tháo băng gạc và ống dẫn lưu nếu có.
Lưu ý chăm sóc sau phẫu thuật nâng ngực
Một số lưu ý chăm sóc sau phẫu thuật nâng ngực, bao gồm:
- Sau tuần đầu tiên có thể hoạt động nhẹ bình thường.
- Không nâng vật nặng trong ít nhất 4 tuần.
- Chỉ được hoạt động thể thao trở lại sau 6 tuần.
Mỗi người có thời gian lành vết thương khác nhau nên thời gian phục hồi sau phẫu thuật nâng ngực sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại nâng ngực và sức khỏe tổng thể. Trung bình, quá trình phục hồi hoàn toàn mất 6-8 tuần.
Biến chứng có thể gặp sau nâng ngực
Một số biến chứng có thể gặp sau quá trình nâng ngực, bao gồm:
- Co thắt bao xơ.
- Túi ngực chảy xệ.
- Ngực dính liền (Symmastia).
- Tụ dịch túi ngực.
- Vỡ túi ngực.
- U lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL).
Khi nào tình trạng nâng ngực cần gặp bác sĩ?
Khách hàng sau nâng ngực cần gặp bác sĩ khi:
- Sốt.
- Có dịch tiết bất thường, chẳng hạn như mủ tiết ra từ vị trí vết mổ.
- Đứt chỉ khâu.
- Một hoặc 2 bên ngực to ra hoặc cứng dần kèm theo triệu chứng đau.
Các thắc mắc thường gặp về phẫu thuật nâng ngực
1. Nâng ngực có cho con bú được không?
Có, nâng ngực qua đường rạch da ở nếp dưới vú hoặc ở nách và túi ngực được đặt sau cân cơ hoặc sau cơ ngực ít ảnh hưởng đến mô tuyến vú. Do đó quá trình tạo sữa và bài tiết sữa ít bị ảnh hưởng.
2. Nâng ngực có để lại sẹo không?
Có, bất kỳ quy trình phẫu thuật nào cũng có thể để lại sẹo, bao gồm cả nâng ngực. Tuy nhiên, không phải vết sẹo nào cũng giống nhau. Tình trạng và hình dạng sẹo sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật của bác sĩ, các bước chăm sóc vết thương và cơ địa mỗi người.
3. Nâng ngực có đau không?
Có, nâng ngực cũng giống các quy trình phẫu thuật khác đều có vết thương và gây đau ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, khách hàng nếu nhận thấy cơn đau ngày càng trở nên nghiêm trọng, không thuyên giảm và kèm theo nhiều triệu chứng bất thường như nóng rát và sưng bất thường quanh núm vú hoặc thay đổi màu da hãy đến gặp bác sĩ ngay để được khám, kiểm tra và điều trị kịp thời.
4. Nâng ngực có được vĩnh viễn không?
Không. Túi ngực thường có thời hạn sử dụng khoảng 10 năm. Cho dù không xảy ra biến chứng gì thì khi hết thời hạn sử dụng cũng nên cân nhắc đến việc thay túi ngực khác. Ngoài ra, việc mang thai, giảm cân và mãn kinh cũng gây ảnh hưởng đến hình dáng của bộ ngực đã nâng. Vì vậy, khách hàng nâng ngực cần tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng túi ngực và sức khỏe của bản thân.
5. Nâng ngực bao lâu phải thay thế?
Thông thường, khách hàng cần phẫu thuật nâng ngực lại sau khoảng 10 năm do vấn đề liên quan túi ngực hoặc mô vú thay đổi xung quanh túi. Tuy nhiên, thời gian thay túi ngực có thể thay đổi tùy cơ địa và loại túi ngực của mỗi người. Khách hàng cần đi khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra túi ngực và tình trạng sức khỏe của bản thân.
6. Nâng ngực sau sinh được không?
Được, khách hàng có thể nâng ngực sau sinh nhưng cần chờ ít nhất khoảng 6 tháng. Nâng ngực sau sinh rất được nhiều phụ nữ ưa chuộng nhằm khôi phục hình dáng sau quá trình mang thai và cho con bú. Khoảng thời gian 6 tháng sẽ giúp cơ thể hồi phục và ổn định hormone.
7. Nâng ngực rồi có tầm soát ung thư vú được không?
Có, nâng ngực vẫn có thể tầm soát ung thư vú được nhưng đòi hỏi phải có phương tiện và kỹ thuật khó hơn. Với việc tự khám vú, túi ngực có thể gây ảnh hưởng ít nhiều vì tất cả mô vú đều nằm trước túi ngực và các chị em cần thời gian làm quen với việc tự khám vú sau nâng ngực. Mặt khác, quá trình nâng ngực cũng có thể khiến phương pháp chụp nhũ ảnh khó phát hiện ung thư hơn. Tuy nhiên, công nghệ tầm soát ngày càng tiên tiến việc tầm soát không còn khó khăn.
Khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục trau dồi các phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú, các bất thường bẩm sinh hay mắc phải hoặc các bệnh lý tuyến vú, để bác sĩ giúp bạn lập kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng liên tục nhập các máy móc, trang thiết bị tân tiến nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Khoa còn lập nhóm “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh” giúp người bệnh có thể chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bệnh cùng hoàn cảnh.
Nâng ngực là phương pháp thẩm mỹ được ưa chuộng vì giúp tự tin hơn, đặc biệt phụ nữ sau sinh và người sau điều trị ung thư vú. Thông qua bài này, khách hàng hiểu hơn về loại hình phẫu thuật thẩm mỹ này, biết được các rủi ro và giải đáp được thắc mắc. Đồng thời, khách hàng hãy tầm soát định kỳ để bác sĩ có thể khám, kiểm tra túi ngực nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các dấu hiệu bất thường.