Đom đóm vốn là loài côn trùng mà người Nhật rất yêu mến. Hình ảnh đom đóm với ánh sáng huyền ảo như những đốm lửa lập lòe dễ khiến người ta liên tưởng đến pháo hoa Senkou hanabi, cũng là một biểu tượng của mùa hè Nhật Bản. Ngắm đom đóm là một trong những kỉ niệm đẹp không thể quên đối với trẻ thơ. Vậy mà đã có thời kỳ trẻ em Nhật Bản không còn được nhìn ngắm đom đóm. Nguyên nhân ấy bắt nguồn từ việc môi trường sinh thái đã bị bỏ qua một bên trong suốt thời kỳ phát triển thần kỳ (1950-1970) của nền kinh tế Nhật.
Mặt trái của nền kinh tế phát triển
Vốn là loài sinh sản dưới nước, môi trường sống lí tưởng của đom đóm là bên những bờ sông nhỏ, xung quanh có ruộng lúa, cỏ cây, có rừng núi liền kề - mà người Nhật gọi là Satoyama, cảnh quan thiên nhiên đặc trưng nhất của Nhật Bản. Ngoài ra, vì đom đóm rất mẫn cảm với sự ô nhiễm môi trường nên chúng còn được coi là “tiêu chuẩn sống” để đánh giá mức độ sạch của môi trường.
Báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản năm 1982 cho thấy sự suy giảm của loài đom đóm cũng như nguy cơ tuyệt chủng của một số loài khác bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Ô nhiễm môi trường: Việc vô tư dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; hay nước thải từ nhà máy, nước thải gia đình chưa qua xử lí chảy ra sông; bê tông hóa bờ đê bờ kè để cải tạo sông ngòi; và việc khai thác sử dụng đất biến vùng sinh thái sống Satoyama thành những khu dân cư, sân golf chính là nguyên nhân lớn nhất khiến loài đom đóm bị suy giảm.
- Môi trường sống Satoyama bị bỏ hoang: Khi kinh tế phát triển dân cư vùng nông thôn bị hút về vùng thành thị, khiến cho người làm nông nghiệp giảm đi. Satoyama, môi trường sống lí tưởng của đom đóm bị bỏ hoang dẫn đến môi trường sinh thái mất cân bằng, chất lượng đất và nước suy thoái khiến loài đom đóm bị giảm dần.
- Thói quen sinh hoạt của con người: Ít ai ngờ được rằng việc bật đèn pin, đèn xe hơi sáng chói khi đi ngắm đom đóm cũng là một nguyên nhân làm loài đom đóm giảm đi. Vì đom đóm dùng ánh sáng của mình để giao tiếp với nhau, và chúng cần được ở trong môi trường tối không có ánh sáng khác can thiệp.
Hành trình đưa đom đóm trở lại thiên nhiên
Không chỉ người lớn mà với trẻ em ngắm đom đóm vào mùa hè là một trải nghiệm thú vị để cảm nhận thiên nhiên. Xuất phát từ mong muốn gìn giữ lại di sản cho thế hệ tương lai, muốn trẻ em Nhật được ngắm nhìn đom đóm mà người Nhật đã bắt đầu khôi phục lại những vùng đom đóm sinh sống.
Từ những năm 1970, khi nhận thấy sự suy giảm đáng kể của loài đom đóm ở vùng nông thôn, quận Tatsuno thuộc tỉnh Nagano là một trong những nơi đầu tiên khởi xướng phong trào bảo vệ loài đom đóm. Sau đó, đến những năm 1990 khi ý thức về bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, phong trào bảo vệ và nuôi lại đom đóm đã trở nên phổ biến.
- Khôi phục môi trường sống Satoyama và giữ gìn môi trường tự nhiên sạch: Đây là cách làm phổ biến nhất ở những vùng có đom đóm sinh sống trên khắp nước Nhật. Khi nguồn nước thải gây ô nhiễm hay thuốc trừ sâu đã bị ngăn chặn, vùng sinh sống của đom đóm sẽ được giữ nguyên hiện trạng. Các đoàn thể, tổ chức hay cá nhân bảo vệ đom đóm sẽ thu thập đom đóm ở vùng đó đem về nuôi trong các bể nước nhân tạo, sau đó thả ấu trùng về lại sông.
- Bảo vệ nguồn nước, cải tạo sông ngòi: Thay vì dùng bê tông, người ta trồng thực vật bên bờ sông và tiến hành nuôi ấu trùng, sau đó thả ấu trùng đom đóm vào nước sông.
- Nuôi dưỡng ý thức bảo vệ đom đóm cho trẻ em: Dạy học sinh bảo vệ loài đom đóm bằng cách cho các em nuôi ấu trùng đom đóm trong các bể và rãnh nước. Hầu hết các em đều được tham gia hoạt động này ở trường và địa phương để nâng cao hiểu biết về đom đóm cũng như nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các giáo sư đại học nghiên cứu về đom đóm cũng góp phần giúp quá trình đưa đom đóm trở lại với nước Nhật trở nên bền vững hơn.
- Tổ chức lễ hội ngắm đom đóm: Lễ hội đom đóm được tổ chức trên khắp cả nước ở khu vực ven sông hay cánh đồng, khuôn viên công viên để người dân có thể dễ dàng ngắm đom đóm.
Vòng sinh trưởng của đom đóm
Vào tháng 6 sau khi giao phối, đom đóm bắt đầu đẻ trứng vào vùng ven sông nước (cây cối, đá). Sau đó khoảng 1 tháng trứng sẽ nở thành ấu trùng. Từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau, ấu trùng đom đóm ăn loài ốc vặn và lột xác 6 lần để có chiều dài khoảng 25mm, sau đó lên bờ. Từ tháng 4 đến tháng 6, ấu trùng đào hang trong lòng đất để ẩn mình khoảng 40 ngày trước khi biến thành nhộng. Khoảng 10 ngày sau, nhộng mọc cánh và biến thành đom đóm trưởng thành với độ dài 15 - 20mm. Đom đóm chỉ sống được 2 tuần thì chết.
Những địa điểm thưởng lãm đom đóm đẹp nhất khu vực Tokyo
Mùa ngắm đom đóm bắt đầu từ giữa tháng 5 đến hết tháng 8, trải dài trên khắp nước Nhật theo sự chuyển dịch thời tiết mỗi vùng, ở Tokyo thường rơi vào cuối tháng 5 đến hết tháng 7. Dưới đây là những địa điểm đại diện nổi tiếng nhất có lễ hội đom đóm ở khu vực Tokyo.
Khách sạn Chinzanso: nổi tiếng là khách sạn có khuôn viên ngắm đom đóm đẹp ở Tokyo với lễ hội “Hotaru no Yube” được tổ chức vào giữa tháng 6 đến tháng 7.
Công viên Hotaru ở thành phố Fussa: với hơn 500 con đom đóm (của loài đom đóm Genji-botaru đang có nguy cơ bị suy giảm) bay vần vũ tạo nên một không gian ảo diệu chính là một nét độc đáo của địa điểm này.
Lễ hội đom đóm Kugayama: Nằm giữa lưu vực hai con sông Kanda và Tamagawa nên địa điểm này là khu vực ngắm đom đóm rộng nhất Tokyo với hơn 2.000 con đóm đóm được nuôi và thả phóng sinh.
Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn