Giáo dục

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC), thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng công thức sau:

1.1. Đối với cá nhân cư trú

(i) Trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên:

Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

-Thu nhập tính thuế (sau đây viết tắt là TNTT) = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công trừ (-) Các khoản thu nhập được miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công (Xem chi tiết tại "Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân" và "Các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân").

- Thuế suất áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần sau đây:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

- Số thuế thu nhập cá nhân được tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

Bên cạnh đó, để thuận tiện cho việc tính toán, phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu đồng (triệu đồng)

5%

0 triệu đồng + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng

10%

0,25 triệu đồng + 10% TNTT trên 5 triệu đồng

10% TNTT - 0,25 triệu đồng

3

Trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng

15%

0,75 triệu đồng + 15% TNTT trên 10 triệu đồng

15% TNTT - 0,75 triệu đồng

4

Trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng

20%

1,95 triệu đồng + 20% TNTT trên 18 triệu đồng

20% TNTT - 1,65 triệu đồng

5

Trên 32 triệu đồng đến 52 triệu đồng

25%

4,75 triệu đồng + 25% TNTT trên 32 triệu đồng

25% TNTT - 3,25 triệu đồng

6

Trên 52 triệu đồng đến 80 triệu đồng

30%

9,75 triệu đồng + 30% TNTT trên 52 triệu đồng

30 % TNTT - 5,85 triệu đồng

7

Trên 80 triệu đồng

35%

18,15 triệu đồng + 35% TNTT trên 80 triệu đồng

35% TNTT - 9,85 triệu đồng

Ngoài ra, Quý khách có thể sử dụng tiện íchFile excel tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, tiền thưởng, theo đó Quý khách chỉ cần điền thu nhập tính thuế và số người phụ thuộc là có thể biết chính xác số tiền thuế phải nộp.

- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm người nộp thuế được trả thu nhập.

Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

(ii) Trường hợp cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên:

Thuế thu nhập cá nhân

=

Thu nhập tính thuế

x

Thuế suất 10%

Xem chi tiết tại công việc “Trường hợp khấu trừ 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân”.

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1.2. Đối với cá nhân không cư trú

Căn cứ Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú được quy định như sau:

Trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được xác định như sau:

- Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam.

- Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày có mặt ở Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Trong đó: Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam nêu tại hai công thức trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do công ty cổ phần (là người sử dụng lao động) trả hoặc trả hộ cho người lao động.

2. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Bao gồm các khoản sau:

2.1. Giảm trừ gia cảnh

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, giảm trừ gia cảnh được quy định như sau:

(i) Giảm trừ gia cảnh được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.

(ii) Mức giảm trừ gia cảnh

- Đối với bản thân người nộp thuế: Mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

- Đối với mỗi người phụ thuộc: Mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu đồng/tháng.

(Theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14)

(iii) Nguyên tắc giảm trừ gia cảnh:

- Đối với bản thân người nộp thuế:

+ Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

+ Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Ví dụ 1: Ông E là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc liên tục từ ngày 01/3/2023 đến ngày 15/11/2023, ông E kết thúc hợp đồng lao động và về nước. Từ ngày 01/3/2023 đến khi về nước ông E có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày.

Như vậy, năm 2023, ông E là cá nhân cư trú và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 đến hết tháng 11 năm 2023.

Ví dụ 2: Bà G là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc lần đầu tiên vào ngày 21/9/2022 đến ngày 15/6/2023, Bà G kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam. Từ ngày 21/9/2022 đến ngày 15/6/2023, Bà G có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày.

Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 21/9/2022 đến ngày 20/9/2023), Bà G được xác định là cá nhân cư trú của Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 9/2022 đến hết tháng 6/2023.

+ Trường hợp trong năm tính thuế, cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế.

- Đối với người phụ thuộc:

Người phụ thuộc bao gồm:

+ Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:

++ Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

(Ví dụ 3:Con ông H sinh ngày 25/7/2014 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 7/2014).

++ Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

++ Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

+ Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng (*) đáp ứng điều kiện sau:

++ Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động (**); không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

++ Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

Lưu ý:

(*) Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng bao gồm: Anh ruột, chị ruột, em ruột; ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột; cháu ruột bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột; người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

(**) Người khuyết tật, không có khả năng lao động là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...).

+ Người nộp thuế đã được đăng ký thuế và được cấp mã số thuế thì mới được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký - xem chi tiết tại công việc Đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh”.

+ Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì khi thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, người nộp thuế được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Riêng đối với người phụ thuộc là cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng (nêu bên trên), thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

+ Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

2.2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

(i) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

(ii) Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện:

Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.

Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp.

(iii) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam (như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.

(iv) Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.

(v) Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).

(Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC)

2.3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được quy định như sau:

Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

(i) Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tài liệu để chứng minh đóng góp là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

(ii) Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.

Tài liệu chứng minh đóng góp là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

Lưu ý: Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.

>> Xem thêm mẫu: - Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công) theo mẫu số 05/KK-TNCN Thông tư 80/2021/TT-BTC. - Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công) theo mẫu số 05/QTT-TNCN Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Ví dụ hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú:

Bà A ký hợp đồng lao động không thời hạn với công ty cổ phần B có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng 01/2023 như sau:

- Lương thực tế: 30 triệu

- Đóng bảo hiểm (BHXH 8%, BHYT 1,5%, BHTN 1%) trên mức lương 20 triệu

- Bà A không có người phụ thuộc

Thuế thu nhập cá nhân của bà A trong tháng 01/2023 được tính như sau:

- Thu nhập chịu thuế = 30 triệu (không có các khoản thu nhập được miễn thuế)

+ Bà A được giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu

+ Bà đóng bảo hiểm bắt buộc = 20 triệu x (8% + 1,5% + 1%) = 2,1 triệu

- Tổng các khoản giảm trừ = 11 triệu + 2,1 triệu = 13,1 triệu

- Thu nhập tính thuế = 30 triệu - 13,1 triệu = 16,9 triệu

- Như vậy, thu nhập tính thuế của bà A thuộc bậc 3 của Biểu tính thuế rút gọn nên:

Thuế thu nhập cá nhân = 0,75 triệu + [15% x (16,9 triệu - 10 triệu)] = 1,785 triệu đồng

Hoặc Thuế thu nhập cá nhân = 15% x 16,9 triệu - 0,75 triệu = 1,785 triệu đồng.

Vậy tháng 01/2023 bà A phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 1.785.000 đồng.

3. Biểu mẫu tham khảo

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 02/KK-TNCN (áp dụng đối với cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế) theoThông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 02/QTT-TNCN (áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 03/BĐS-TNCN (áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản) theoThông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 04/CNV-TNCN (áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán khai trực tiếp với cơ quan thuế và tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 04/ĐTV-TNCN (áp dụng đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, lợi tức ghi tăng vốn, chứng khoán thưởng cho cổ đông hiện hữu khi chuyển nhượng và tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 04/NNG-TNCN (áp dụng đối với cá nhân không cư trú có thu nhập từ kinh doanh, cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng được trả từ nước ngoài) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 04/TKQT-TNCN (áp dụng đối với cá nhân nhận thừa kế, quà tặng không phải là bất động sản) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 06/TNCN (áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng chứng khoán, từ bản quyền, từ nhượng quyền thương mại, từ trúng thưởng của cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú; từ kinh doanh của cá nhân không cư trú; tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú) theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

- Giấy uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân - mẫu số 08/UQ-QTT-TNCN theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.